Đường sắt ‘lên ngôi’ sau khủng hoảng vận tải biển tại Biển Đỏ

Ảnh hưởng tiêu cực tăng cao

Biển Đỏ là một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng cho thương mại đến châu Âu và Mỹ. Từ tháng 11/2023, các cuộc tấn công tàu thuyền trong vùng biển này liên tục diễn ra, khiến nhiều hãng tàu phải đình chỉ tuyến Biển Đỏ qua kênh đào Suez và đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng, khiến hành trình tàu kéo dài từ 10 - 15 ngày so với trước. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Một số tác động tiêu cực có thể kể đến như việc không có tàu nối tới cảng đích đối với các hải trình đi qua cảng quá cảnh, giá cước vận tải tăng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu và uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Tìm giải pháp trong thách thức

Trong bối cảnh những doanh nghiệp xuất khẩu đến khu vực châu Âu và cảng bờ Đông Bắc Mỹ là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, An Tín Logistics (Công ty Cổ phần Liên Vận An Tín - thành viên Tập đoàn An Phát Holdings) đã tìm ra giải pháp đường sắt thay thế, giảm thời gian vận chuyển và rủi ro cho khách hàng.

Dịch vụ đường sắt thay thế tối ưu thời gian vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu của An Tín Logistics. (Ảnh: An Tín Logistics)

Theo vị đại diện doanh nghiệp An Tín Logistics, thay vì trực tiếp đi từ Việt Nam theo kênh đào Suez mất 45 ngày hoặc đi qua mũi Hảo Vọng mất 55 ngày thì các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đi bằng đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc, sau đó từ Trung Quốc tới châu Âu chỉ từ 27 ngày. So với vận tải đường biển, ưu điểm nổi của tuyến tàu chở hàng Việt Nam - Trung Quốc - châu Âu là sự ổn định.

Sau khi triển khai, đơn vị này cho biết tuyến đường này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu do tối ưu được thời gian vận chuyển, kịp thời giao hàng tới các đối tác, tránh được trường hợp hủy đơn hàng và bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc giảm đáng kể thời gian vận chuyển không chỉ giúp tiết kiệm chi phí hậu cần mà còn cải thiện vòng quay vốn và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm cho doanh nghiệp.

“Hiện vận tải đường sắt tuy mới chỉ áp dụng cho hàng tiêu dùng và gia dụng thông thường, may mặc, thực phẩm đóng lon/chai, nông sản không cần bảo quản lạnh (gạo, chè, cà phê), thực phẩm (mỳ tôm...)… nhưng cũng đã tháo gỡ được nhiều lo lắng cho các doanh nghiệp bởi đây đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ chủ động theo dõi sát tình hình, làm việc, trao đổi với các đối tác để lựa chọn phương án thích hợp nhất trong các chuỗi logistics tùy từng ngành hàng”, đại diện An Tín Logistics cho biết.

Trong bối cảnh căng thẳng chính trị toàn cầu leo thang, ngành logistics bị bủa vây bởi nhiều khó khăn, các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn vươn mình tìm cơ hội giúp đỡ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. An Tín Logistics được xem là doanh nghiệp logistics tại Việt Nam có các tuyến đường biển thế mạnh đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ được nhiều nhà xuất nhập khẩu tin tưởng.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn