Eximbank (EIB) - ngân hàng không cổ đông lớn, bất ngờ xuất hiện giao dịch 300 tỷ đồng từ một 'tay to'

Đầu phiên 5/7, thị trường chứng khoán rung lắc hẹp biên +/-3 điểm ngay phía trên mốc 1.280 điểm. Nhóm tài chính là một trong những tác nhân khiến thị trường chưa thể bứt lên.

Ở nhóm ngân hàng, tính đến thời điểm 9h55, trạng thái phân hóa đang diễn ra rõ nét. Hàng loạt cổ phiếu trong rổ VN30 như SSB, STB, ACB, TPB, VIB, CTG... đang điều chỉnh nhẹ. Ở chiều ngược lại, VCB tăng 0,7%, BID tăng 0,8%, SHB tăng 0,4%.

Dấu ấn đáng chú ý nhất phải kể đến mức tăng 1,3% của cổ phiếu EIB (Eximbank).

Eximbank (EIB) - ngân hàng không cổ đông lớn, bất ngờ xuất hiện giao dịch 300 tỷ đồng từ một 'tay to'
Diễn biến cổ phiếu EIB

Hơn 16 triệu cổ phiếu EIB đã được sang tay chỉ sau chưa đầy một giờ giao dịch (tạm thời là mức cao nhất toàn thị trường). Đáng nói, 15,5 triệu cổ phiếu đã được khớp lệnh trong phiên ATO. Toàn bộ số này đều được thực hiện bởi một lệnh giao dịch tại mức giá 19.400 đồng/cp, giá trị ước tính khoảng 300 tỷ đồng.

Ai là bên thực hiện giao dịch trên?

Được biết Eximbank hiện có vốn điều lệ hơn 17.400 tỷ đồng - tương ứng 1,74 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Nhà băng này hiện có gần 35.000 cổ đông, song không có bất kỳ cổ đông lớn nào.

Dữ liệu từ TCBS cho biết, một số cá nhân đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu EIB là ông Phạm Hữu Phú (nắm 0,2% vốn), bà Lương Thị Cẩm Tú (nắm 0,79% vốn) và bà Lê Thị Mai Loan (nắm 1,03% vốn). Các cá nhân này đều đảm nhiệm vai trò trong HĐQT Eximbank. Riêng ông Phạm Hữu Phú kiêm thêm chức vụ Tổng Giám đốc.

Eximbank từng cùng với Sacombank (mã STB) hay Ngân hàng Á Châu (ACB) được xem là "bộ ba quyền lực" ngoài nhóm Big 4. Tuy nhiên, sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) - cựu Phó Chủ tịch HĐQT bị bắt giữ hồi năm 2012 và chính sách yêu cầu các ngân hàng TMCP phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng từ khách hàng, hoạt động kinh doanh của Eximbank đi xuống và chạm đáy vào giai đoạn 2014-2015 khi chỉ lãi lần lượt 69 tỷ và 61 tỷ đồng.

Xung đột xảy ra ở EIB trong thời gian dài giữa các nhóm cổ đông trong bối cảnh nhà băng này không có "ông chủ" thực sự.

Ngoại trừ các cá nhân nêu trên, Vietcombank và SMBC hiện là hai cổ đông nắm nhiều cổ phần nhất, lần lượt sở hữu 4,82% và 4,25% vốn Eximbank. Tuy nhiên, cả 2 đơn vị này đều có kế hoạch thoái vốn.

Theo biên bản họp ĐHCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Eximbank khẳng định việc không có cổ đông lớn có ảnh hưởng nhưng không đến mức trọng yếu. Ngân hàng vẫn có thể hoạt động an toàn, ổn định nhưng sẽ thiếu yếu tố nguồn lực mang tính thay đổi tăng trưởng.

Theo VPBankS, vấn đề chủ sở hữu mới có thể là "key" đầu tư cho giai đoạn tới với cổ phiếu EIB.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn