Fed giảm lãi suất 0,5% tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa có quyết định quan trọng: giảm lãi suất tham chiếu 50 điểm cơ bản (0,5%), về 4,75-5%. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới kể từ năm 2020.

Theo giới phân tích, mức giảm lãi suất của Fed dù không nằm ngoài dự báo và kỳ vọng của thị trường trước đó, nhưng động thái này sẽ tác động tích cực tới đồng nội tệ của các nền kinh tế toàn cầu, trong đó có tỷ giá giữa VND và USD.

Đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam, Dragon Capital nhận định, quyết định của Fed mang lại những tác động tích cực rõ rệt.

Trước tiên, việc giảm lãi suất giúp giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái. Trong nước, so với giai đoạn áp lực tỷ giá căng thẳng nhất, từ tháng 5, tháng 6, khi có thời điểm tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng đã tăng gần 5% so với đầu năm thì hiện đã thu hẹp chỉ còn tăng khoảng 1,6% (đến hết ngày 18/9). Dự báo tỷ giá USD/VND cả năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 1,3-1,7%.

-1981-1726798557.png

Chuyên gia dự báo biến động tỷ giá trong năm nay không quá 2%.

"Ngoài ra, việc Fed cắt giảm lãi suất cũng tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn, góp phần thúc đẩy giải ngân cho đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ", Dragon Capital lưu ý.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng và bền vững hơn, kích cầu hàng hóa - dịch vụ, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và Mỹ, Châu Âu là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 25,4%, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; sang châu Âu tăng 18,5%, chiếm 13%…).

Tại báo cáo Đánh giá nhanh về việc Fed chính thức lộ trình hạ lãi suất và những tác động đối với kinh tế - tài chính thế giới cũng như Việt Nam, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, việc tỷ giá ổn định hơn góp phần giảm chi phí nhập khẩu trong khi tác động không nhiều đổi với xuất khẩu của Việt Nam do cấu trúc nền kinh tế.

Nghiên cứu năm 2022 về mối quan hệ giữa tỷ giá và cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2006-2021, nhóm nghiên cứu cho rằng mối quan hệ này là khá lỏng lẻo khi mà tỷ giá biến động tác động không nhiều đến xuất nhập khẩu của Việt Nam vì 2 lý do.

Thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là của khối doanh nghiệp FDI (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2022). Theo đó, để xuất khẩu, khối doanh nghiệp này phải nhập khẩu tương ứng (chiếm khoảng 55% tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam) cho dù tỷ giá thay đổi (khối doanh nghiệp này cũng có lợi thế về nguồn vốn USD từ công ty mẹ).

Thứ hai, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngày càng quan tâm, có nhiều công cụ hơn để kiểm soát rủi ro tỷ giá (bao gồm cả các công cụ phái sinh).

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank cho biết: "Áp lực từ góc độ chênh lệch lãi suất, đối với tỷ giá giảm đi rất nhiều. Nó mở ra một không gian rất lớn cho các ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều tiết chính sách của mình trong việc đảm bảo tăng trưởng về mặt tín dụng cũng như lãi suất ổn định để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Còn về mặt kinh tế nói chung, đặc biệt là mặt xuất khẩu, khi nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được sự tăng trưởng nhất định thì nó cũng vẫn tạo được động lực nhất định cho xuất khẩu của Việt Nam".

Cùng với đó, giới phân tích kỳ vọng dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Theo số liệu thống kê, đến đầu tháng 9 này, Việt Nam đã cấp thêm khoảng 2.250 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 12 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điển hình, tại Long An, đến nay có tới 635 dự án FDI đi vào hoạt động với tổng vốn hơn 4,2 tỷ USD. Đây là yếu tố quan trọng giúp Long An vươn lên dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về thu nộp ngân sách với hơn 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Huỳnh Duy Sang, Giám đốc Khối Thị trường Tài chính - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhận định: "Tôi nghĩ với những điều kiện vĩ mô tương đối tốt như xuất siêu, FDI, nhìn tổng thể chúng ta vẫn thặng dư cán cân thanh toán. Thường cuối năm cũng là mùa kiều hối về. Tôi nghĩ tỷ giá sẽ biến động quanh mức 1,5% và biến động không quá 2%".

Không chỉ đầu tư trực tiếp, dòng vốn ngoại sẽ đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán. Theo ghi nhận, khối ngoại cũng bắt đầu quay lại mua ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam 4 phiên liên tục gần đây sau một thời gian dài bán ròng. Trong đó, phiên 17/9, khối ngoại mua ròng hơn 524 tỷ đồng và phiên 19/9 mua ròng trên 471 tỷ đồng.

Ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng Phòng Cao cấp, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng khi Fed bước vào chu kỳ giảm lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa các cặp tiền tệ sẽ bắt đầu xu hướng thu hẹp. Đồng USD sẽ yếu đi một cách tương đối so với các đồng tiền khác. Nói cách khác, áp lực lên các đồng tiền khác sẽ giảm, nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nơi dòng vốn ngoại đóng vai trò đáng kể trong việc đầu tư và thúc đẩy kinh tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Pinetree, cho rằng mặc dù quyết định của Fed có tác động tích cực, song nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào việc thị trường chứng khoán tăng mạnh, do đây không phải điều gì hoàn toàn mới, mà đã được thị trường kỳ vọng và phản ánh ít nhiều vào mặt bằng giá.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn