FPT đang có 1.800 tỷ đồng tiền gửi tại TPBank (TPB)

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – mã chứng khoán TPB) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.

Kết quả kinh doanh ghi nhận, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 2.985 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

FPT đang có 1.800 tỷ đồng tiền gửi tại TPBank (TPB)
Kết quả kinh doanh những năm gần đây của TPBank

Về hoạt động kinh doanh cốt lõi, tổng tiền gửi của khách hàng tại TPBank giảm 2,5% so với đầu năm, còn 202.997 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm tỷ lệ gần 21%, tương đương gần 42.000 tỷ đồng.

Một trong những 'khách sộp' của TPBank là CTCP FPT (mã chứng khoán FPT), với khoản tiền gửi có kỳ hạn duy trì trên 1.800 tỷ đồng tại ngân hàng này. FPT hiện là cổ đông lớn của TPBank, sở hữu hơn 149 triệu cổ phiếu, tương đương 6,77% vốn điều lệ của ngân hàng.

Ngoài ra, Chứng khoán Tiên Phong (ORS), nơi ông Đỗ Anh Tú – Phó Chủ tịch TPBank – giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cũng là một khách hàng lớn. Chứng khoán Tiên Phong hiện có khoản tiền gửi gần 3.200 tỷ đồng tại TPBank, trong đó hơn 2.900 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. Số dư này đã tăng mạnh so với mức gần 1.800 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm.

Ngoài ra, TPBank còn có các khách sộp khác, là các doanh nghiệp có chung thành viên quản lý chủ chốt với ngân hàng và các bên liên quan khác. Các bên này đang có số dư tiền gửi hơn 3.600 tỷ đồng tại TPBank - đây chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.

FPT đang có 1.800 tỷ đồng tiền gửi tại TPBank (TPB)
Cơ cấu cho vay khách hàng của TPBank

Ở chiều ngược lại, tổng dư nợ cho vay khách hàng tại TPBank đến cuối quý II/2024 đạt 213.432 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng có dấu hiệu đi xuống khi tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 lên đến gần 4.400 tỷ đồng, tăng 1,82%. Trong số đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm hơn 1.000 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đạt hơn 1.500 tỷ đồng, và phần còn lại thuộc nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn).

Xem thêm tại nguoiquansat.vn