FTSE công bố: Việt Nam chưa được nâng hạng, vẫn nằm diện theo dõi

FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường, giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets).

Theo đó, Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2018 nhằm xem xét khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Tuy nhiên, FTSE nhận định Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được hai tiêu chí: “Chu kỳ thanh toán (DvP)” và “Chi phí liên quan đến các giao dịch thất bại trong thanh toán”, cả hai đều hiện đang được đánh giá ở mức “Hạn chế” (Restricted).

“Vào tháng 11/2024, cơ quan quản lý thị trường Việt Nam đã triển khai mô hình không yêu cầu nộp tiền trước (non-prefunding - NPF), cho phép các công ty chứng khoán trong nước cung cấp cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII) một mức vốn phù hợp để hỗ trợ lệnh mua chứng khoán, từ đó loại bỏ yêu cầu nộp tiền trước đối với FII. Với diễn biến này, FTSE Russell tiếp tục theo dõi thị trường và thu thập ý kiến từ các thành viên thị trường về mô hình NPF cũng như cách xử lý các giao dịch thất bại”, thông báo của FTSE nêu rõ.

Bên cạnh đó, tổ chức này cho rằng quá trình mở tài khoản giao dịch mới cũng cần được cải thiện, do thực tế hiện nay có thể dẫn đến thời gian đăng ký kéo dài. Việc xây dựng một cơ chế hiệu quả nhằm tạo điều kiện giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài trong các mã chứng khoán đã đạt hoặc sắp đạt giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) cũng được đánh giá là quan trọng.

FTSE Russell ghi nhận cam kết liên tục của cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong việc thúc đẩy các cải cách quy định nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm việc nâng cấp hệ thống giao dịch chính. FTSE Russell đánh giá cao mối quan hệ hợp tác tích cực với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC), các cơ quan quản lý thị trường khác và nhóm Ngân hàng Thế giới, những đơn vị đang hỗ trợ chương trình cải cách thị trường rộng lớn hơn.

Được biết, kỳ cập nhật tiếp theo của FTSE diễn ra vào tháng 9/2025. Đây cũng là mốc thời gian mà nhiều tổ chức phân tích trong nước kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), thống kê từ FTSE Russell cho thấy, trong 17 năm qua, có tới 21/25 trường hợp được nâng hạng thị trường diễn ra vào tháng 9 – cho thấy kỳ đánh giá tháng 9 hằng năm chính là “thời điểm vàng” để ra quyết định.

Trong khi đó, chỉ có 4 trường hợp hiếm hoi được công bố vào tháng 3. Đơn vị này cũng chỉ ra rằng, FTSE Russell thường thu thập dữ liệu vào các mốc tháng 6 và tháng 12 để tham vấn và đưa ra quyết định chính thức. Từ đó, BSC dự báo, trong kịch bản cơ sở, Việt Nam nhiều khả năng sẽ được FTSE Russell công bố nâng hạng vào tháng 9/2025.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam cận kề cánh cửa nâng hạng, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định rằng, với hơn 1.800 doanh nghiệp niêm yết, thanh khoản trung bình hàng tỷ USD mỗi phiên và dòng vốn ngoại ngày càng tăng trở lại, Việt Nam rõ ràng đã vượt xa tiêu chí của một thị trường cận biên truyền thống.

Không chỉ FTSE Russell, tổ chức xếp hạng thị trường lớn khác là MSCI cũng đang cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi (watch list) vào tháng 6 năm nay. Nếu điều này diễn ra, đó sẽ là bước đệm cho một đợt nâng hạng tiếp theo vào năm 2026 – đưa Việt Nam tiến sâu hơn vào dòng chảy vốn toàn cầu.

Tuy nhiên, để tiến đến đích, vẫn còn những điều kiện tiên quyết mà Việt Nam cần hoàn thiện. Theo BSC, một trong những yêu cầu quan trọng là khả năng triển khai thực tế mô hình thanh toán “không trả trước” (non-prefunding) tại các công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký. Bên cạnh đó là trải nghiệm trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như vai trò phối hợp giữa các bộ ngành – từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn