“Game” tăng vốn trong bối cảnh kinh doanh lao dốc
Bối cảnh thị trường không ổn định
Sau quá trình thăng hoa và đạt đỉnh vào giữa tháng 8/2023, thị trường chứng khoán bắt đầu bước vào chu kỳ điều chỉnh và giảm điểm. Trong đó, thống kê từ ngày 16/8 đến ngày 30/11, Chỉ số VN-Index giảm 12%, từ 1.243,26 điểm, về 1.094,13 điểm; Chỉ số VN30 giảm 13,9%, từ 1.256,95 điểm, xuống 1.081,7 điểm.
Hiện tại, cả VN-Index và VN30 nói chung, cũng như các cổ phiếu trụ cột nói riêng đang giao dịch dưới đường kháng cự dài hạn MA 200, đồng thời thanh khoản có dấu hiệu suy giảm trong các phiên hồi phục và tăng mạnh trong phiên giảm điểm. Những chỉ báo này cho thấy dấu hiệu điều chỉnh của thị trường.
Thực tế, để bước vào một đợt tăng mạnh và ổn định, thị trường chứng khoán thường xuất hiện các đợt bán tháo để loại bỏ bớt nhà đầu tư.
Theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, định giá thị trường tính tới ngày 30/11 giao dịch vùng P/E là 13,41 lần (đáy giữa tháng 11/2022 là 10,1 lần). Nếu nhìn rộng ra từ năm 2014 tới nay, định giá thị trường dao động từ 10 đến 16 lần.
Như vậy, so với dữ liệu lịch sử, mức định giá 13,41 lần không phải rẻ. Điều này sẽ khó kích thích dòng tiền bắt đáy thị trường, cũng như thị trường chưa trải qua nhịp rũ bỏ hàng trên diện rộng, dẫn tới giao dịch cổ phiếu hiện tại chưa ổn định.
Doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn
Trong bối cảnh thị trường giao dịch không ổn định và có xu hướng tiếp tục giảm điểm, một số doanh nghiệp niêm yết lại có động thái đẩy mạnh huy động vốn.
Đầu tiên, tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC), sau khi liên tiếp kinh doanh thua lỗ, công ty này đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 252,48 triệu cổ phiếu. Trong đó, phát hành riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu với giá 12.000 - 14.500 đồng/cổ phiếu, huy động từ 2.640 tỷ đồng đến 3.190 tỷ đồng, triển khai từ quý IV/2023 đến quý I/2024 và số tiền huy động từ đợt chào bán riêng lẻ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ vay; đồng thời phát hành 32,48 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ.
Cổ phiếu HBC đã trải qua đợt tăng nóng sau thông tin công bố nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ, nhưng giá đóng cửa ngày 30/11 chỉ là 7.900 đồng/cổ phiếu - thấp hơn nhiều so với giá dự kiến chào bán là 12.000 - 14.500 đồng/cổ phiếu. Vấn đề đặt ra là, tại sao hai cổ đông mới chấp nhận mua với giá cao hơn từ 51,9% đến 83,5% so với giá thị trường.
Thứ hai, tại CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF), mặc dù mới niêm yết ngày 3/12/2021 trên sàn HoSE, nhưng đơn vị này lại đẩy mạnh huy động vốn và tăng nợ vay tài trợ cho tham vọng mở rộng lĩnh vực chăn nuôi heo.
Trong đó, Công ty có kế hoạch chào bán hơn 68,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quý IV/2023 để huy động 684,3 tỷ đồng. Số tiền huy động được dùng để bổ sung hoạt động kinh doanh nông sản, chăn nuôi heo...
Thực tế, trái với việc đẩy mạnh huy động vốn, BAF Việt Nam đang có dấu hiệu kinh doanh đi lùi. Trong đó, năm 2022 ghi nhận doanh thu giảm 32,1%, về 7.083,42 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 10,5%, về 287,78 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu giảm 25,8%, về 3.625,42 tỷ đồng; lợi nhuận giảm 81,5%, về 52,84 tỷ đồng và mới hoàn thành 17,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thêm nữa, thống kê từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/9/2023, BAF Việt Nam đã tăng tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn hơn 28,7 lần.
Thứ ba, tại CTCP Container Việt Nam (mã VSC), sau khi thâu tóm Cảng Nam Hải Đình Vũ đầu năm 2023 cùng với sự gia tăng mạnh của nợ vay, Công ty đang lên kế hoạch chào bán 133,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, huy động 1.333,96 tỷ đồng, triển khai từ năm 2022 đến năm 2024. Trong đó, dùng 1.200 tỷ đồng đầu tư chi phối doanh nghiệp lĩnh vực cảng biển có trụ sở tại TP. Hải Phòng, còn lại 12,69 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Thứ tư, CTCP Chứng khoán SSI (mã SSI) đang xin ý kiến cổ đông kế hoạch phát hành tối đa 151,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, huy động 2.266,7 tỷ đồng và triển khai trong năm 2023 - 2024. Trong đó, số tiền huy động được sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư và cho vay giao dịch ký quỹ.
Thực tế, việc huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu hay phát hành trái phiếu đang giúp các cổ phiếu HBC, BAF, VSC, SSI, HAH… có dấu hiệu mạnh hơn so với thị trường chung. Đặc biệt, cổ phiếu BAF, SSI, HAH đang giao dịch vùng gần đỉnh đầu năm và không giảm mạnh giống Chỉ số VN-Index, Chỉ số VN30.
Có thể thấy, trong ngắn hạn, với “game” tăng vốn, huy động vốn, các cổ phiếu được hỗ trợ và giúp giữ giá ở vùng cao, mặc dù thị trường có dấu hiệu bước vào sóng điều chỉnh.
Xem thêm tại baodautu.vn