Gần 1.000 doanh nghiệp, tổ chức tại Thanh Hóa nợ đọng tiền bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo thống kê tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tính đến hết quý II/2024. Theo đó, tại địa phương này có gần 1.000 đơn vị chậm đóng lên tới số tiền hàng trăm tỷ đồng. Có nhiều đơn vị chậm đóng nhiều năm, thậm chí gần 10 năm với số tiền rất lớn hàng chục tỷ đồng.

Đơn cử như Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 358 lao động (chậm đóng 39 tháng) với số tiền 31,428 tỷ đồng. Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Thanh Hóa (chậm đóng 91 tháng) với số tiền 17,108 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Lilama 5 (chậm đóng 57 tháng) với số tiền 11,559 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh (chậm đóng 20 tháng) với số tiền 4,534 tỷ đồng. Công ty TNHH Một thành viên JLG Vina (chậm đóng 49 tháng) với số tiền 5,801 tỷ đồng …

Các doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thanh, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được tiền chậm đóng như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838; Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Long; Công ty Cổ phần Xây dựng Hancorp.2; Công ty Cổ phần Thiện xuân - Lam Sơn; Công ty TNHH Hà Thịnh - Hà Trung; Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn; Công ty Cổ phần Sản xuất, thương mại và Dịch vụ Vận tải An Huy - Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Bỉm Sơn Viglacera…

Ngoài ra, tại Thanh Hóa có 17 đơn vị khối hành chính sự nghiệp nợ từ năm 2022. Đến nay có 7 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, như Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng chậm đóng 10 tháng với hơn 195 triệu đồng; Trung tâm thông tin - ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ chậm đóng 8 tháng với gần 229 triệu đồng; ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa chậm đóng 3 tháng với gần 528 triệu đồng…

Quý 2/2024, tại địa phương này phát sinh mới 14 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thấp nghiệp, từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, như phân hiệu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại Thanh Hoá chậm đóng 4 tháng với số tiền hơn 536 triệu đồng; Trường THCS Đông Hải chậm đóng 3 tháng với số tiền gần 314 triệu đồng; Đoàn Đo đạc bản đồ và quy hoạch chậm đóng 4 tháng số tiền gần 282 triệu đồng…

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý thu – sổ, thẻ Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong số các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội có 604 doanh nghiệp chậm đóng số tiền 130 tỷ đồng từ nhiều năm nay. Số đơn vị này đã dừng hoạt động, hoặc chỉ có vài lao động. Số tiền chậm đóng này rất khó thu hồi, một số đơn vị không thể thu hồi được.

Theo ông Tuấn, từ tháng 4/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có quy định thay thế từ "nợ" thành "chậm đóng" bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về việc "chậm đóng", chậm 3 tháng vẫn là chậm và chậm 10 năm vẫn tính là chậm.

Chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có nguyên nhân khách quan là sau đại dịch Covid-19 tình hình kinh tế của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Các doanh nghiệp này sử dụng lực lượng lao động rất lớn, khi chậm đóng thì số tiền "nợ" sẽ rất lớn… Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật đóng bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp chưa tốt.

Theo Phòng Thanh tra kiểm tra Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngoài gọi điện, làm văn bản đôn đốc đơn vị này đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra.

Sau khi thanh tra, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội đã bị xử phạt hành chính với số tiền mức cao nhất là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, do số tiền phạt nhỏ hơn nhiều so với tiền chậm đóng nên các đơn vị chỉ đóng tiền phạt, không đóng số tiền chậm đóng.

Trước năm 2016, thẩm quyền khởi kiện việc chậm đóng bảo hiểm xã hội là của cơ quan bảo hiểm. Từ 2009 – 2015, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa với tư cách nguyên đơn đã khởi kiện 210 lượt vụ chậm đóng bảo hiểm xã hội và đã thu hồi được số tiền 75 tỷ đồng.

Từ năm 2016 tới nay, quy định pháp luật thay đổi, thẩm quyền khởi kiện việc chậm đóng bảo hiểm xã hội được giao cho công đoàn cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, tổ chức công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa khởi kiện được vụ việc chậm đóng bảo hiểm xã hội nào.

Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã chuyển 5 hồ sơ chậm đóng bảo hiểm xã hội qua Công an tỉnh Thanh Hóa và công an cấp huyện đề nghị điều tra, xử lý hình sự. Tuy nhiên, cơ quan công an đã trả lại hồ sơ vì vụ việc không có dấu hiệu hình sự.

Trước tình trạng trên, thời gian gần đây, tỉnh Thanh Hóa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tất cả huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đều thành lập được Tổ liên ngành thu tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội do chủ tịch UBND làm tổ trưởng. 

Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều giao tỉ lệ phần trăm số tiền chậm đóng cho các đơn vị trong đó có bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa. Số tiền chậm đóng của bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa vẫn nằm trong phạm vi cho phép và tỉ lệ giao của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Xem thêm tại vneconomy.vn