Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Tính tới sáng 3/5, theo dữ liệu từ Wichart, có gần 900 doanh nghiệp trên HOSE, HNX và UPCoM công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Có khoảng 59% đơn vị có doanh thu tăng trưởng và 42% công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) quý I tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê cho thấy có 27 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng đạt trên 1.000 tỷ đồng trong quý I. Trong đó có 15 ngân hàng, hai đơn vị trong lĩnh vực hàng không, hai doanh nghiệp dầu khí, còn lại là các công ty công nghệ, thép, sữa, thực phẩm, bất động sản,...
Nhiều doanh nghiệp trong bảng xếp hạng dù có lãi cao song ghi nhận sự suy giảm so với cùng kỳ có Vietcombank (Mã: VCB), MBBank (Mã: MBB), ACB (Mã: ACB), VIB (Mã: VIB), MSB (Mã: MSB), PV GAS (Mã: GAS), Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR).
Trái lại, một số đơn vị ghi nhận lợi nhuận ròng tăng đột biến bằng lần so với cùng kỳ như: Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC), Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), Viettel Global (Mã: VGI),...
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tiếp tục là doanh nghiệp có mức lợi nhuận ròng quý cao nhất trên sàn chứng khoán quý thứ hai liên tiếp song ghi nhận giảm 5% so với cùng kỳ.
Xếp sau Vietcombank là Vingroup với mức lãi ròng kỷ lục 7.934 tỷ đồng trong một quý nhờ sự tích cực từ các lĩnh vực cho thuê bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục.
Một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Vingroup là CTCP Vinhomes (Mã: VHM) cũng từng liên tiếp nhiều quý đứng đầu lợi nhuận toàn thị trường song quý IV/2023 và quý I/2024, công ty này đã rơi khỏi bảng xếp hạng lợi nhuận nghìn tỷ.
Vinhomes báo lãi ròng giảm tới 93% so với cùng kỳ còn 885 tỷ do hụt thu lớn từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Duy nhất một doanh nghiệp bất động sản lọt top lãi nghìn tỷ quý đầu năm là CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) với mức lãi ròng 1.083 tỷ, tăng 6% so với cùng kỳ và là là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp vượt mốc lợi nhuận nghìn tỷ.
Hai doanh nghiệp hàng không báo lãi trên nghìn tỷ quý đầu năm trong bối cảnh ngành hàng không quốc tế phục hồi là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN).
ACV báo lãi ròng tăng 79% so với cùng kỳ lên 2.917 tỷ. Đây là con số lợi nhuận quý cao kỷ lục của ACV. Bên cạnh yếu tố thị trường phục hồi thì việc chi phí tài chính giảm mạnh từ 793 tỷ đồng quý I/2023 xuống gần 19 tỷ đồng kỳ này do không còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là yếu tố giúp đơn vị quản lý các cảng hàng không này báo lãi.
Còn Vietnam Airlines có khoản thu nhập khác 3.030 tỷ đồng trong quý nhờ xoá nợ theo thỏa thuận trả nên doanh nghiệp lãi ròng 4.334 tỷ trong khi quý I năm ngoái lỗ gần 104 tỷ. Sau chuỗi 16 quý lỗ liên tiếp thì Vietnam Airlines đã có lãi trở lại.
Top doanh thu trên sàn
Thống kê cho thấy Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex - Mã: PLX) tiếp tục là quán quân doanh thu thuần trong quý I với 75.106 tỷ, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả
Ngoài Petrolimex thì hai đại diện khác trong nhóm phân phối xăng dầu là Lọc hoá dầu Bình Sơn vàPV OIL cũng luôn nằm trong top doanh thu trên sàn.
Song Lọc hoá dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu giảm 10% so với quý I/2023 do nhà máy tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 từ ngày 15/3.
Trong top doanh nghiệp có doanh thu cao trên sàn, công ty có mức suy giảm doanh thu mạnh nhất là Tập đoàn Vingroup do giảm nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản.
Xem thêm tại vietnambiz.vn