Bức tranh đối lập
Ngày 5/2, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) thông báo sẽ mua lại hơn 154.200 cổ phiếu quỹ để thu hồi cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của những nhân viên đã nghỉ việc.
MWG thực hiện việc mua lại ESOP bằng nguồn vốn tự có, phương thức giao dịch là chuyển quyền thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Công ty CP Chứng khoán TPHCM (mã chứng khoán: HCM) được chỉ định làm đại lý thực hiện giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ. Giá mua được xác định theo nguyên tắc trong quy chế phát hành ESOP. Thời gian dự kiến giao dịch vào tháng 2 - 3.
MWG đóng cửa gần 200 cửa hàng Thế giới Di động và Điện máy Xanh trong vài tháng qua. |
Đây là lần đầu tiên trong năm 2024, MWG mua lại cổ phiếu quỹ. Trong năm 2023, công ty có đến 3 đợt mua lại cổ phiếu quỹ cũng với mục đích thu hồi lượng ESOP của những nhân viên đã nghỉ việc, tổng cộng hơn 978.300 cổ phiếu, vượt xa lượng cổ phiếu quỹ mua lại của các năm trước đó.
Không phải nhân viên nào của MWG cũng được mua ESOP nhưng số lượng nhân sự tại Thế giới Di động giảm mạnh trong thời gian qua cũng phản ánh phần nào nguyên nhân dẫn đến chuỗi bán lẻ này miệt mài thu hồi lượng ESOP của nhân viên đã nghỉ việc.
Tại 31/12/2023, MWG đang hoạt động với hơn 65.400 nhân viên, giảm 8.600 người so với đầu năm. Đáng chú ý, trong quý IV/2023, MWG giảm gần 3.000 nhân viên, cùng giai đoạn MWG đóng cửa gần 200 cửa hàng Thế giới Di động và Điện máy Xanh.
Việc giảm nhân sự trong năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, Thế giới Di động cắt giảm người lao động. Cụ thể, năm 2013, MWG có gần 5.500 nhân viên, với 225 siêu thị. Còn tại 31/12/2022, công ty có hơn 74.000 người, với hơn 5.800 siêu thị, xây chắc vị trí chuỗi bán lẻ lớn nhất cả nước.
Năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu giảm 11% xuống còn 118.280 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra, MWG mới hoàn thành 88% mục tiêu. Riêng trong tháng 12 doanh thu tăng trưởng 5% so với tháng 11 liền trước và đồng thời là tháng thứ 2 trong năm 2023 tăng trưởng dương 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, chuỗi siêu thị của MWG ghi nhận 3.189 tỷ đồng doanh thu, nâng lũy kế doanh thu cả năm 2023 lên 31.581 tỷ đồng, chiếm gần 27% tỷ trọng cả doanh nghiệp và tăng trưởng 17% so với năm trước.
Ngược lại, chuỗi cửa hàng Thế giới Di động và Topzone ghi nhận doanh thu tháng cuối năm tiếp tục giảm 7% xuống 2.144 tỷ đồng, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp sụt giảm so với tháng trước. Tính chung cả năm 2023, chuỗi cửa hàng bán đồ điện tử, điện thoại, máy tính của MWG đóng góp gần 24% cơ cấu tổng doanh thu, tương ứng 28.269 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với năm trước.
Thế giới Di động đang thu tiền từ rau củ, thịt cá nhiều hơn từ điện thoại, máy tính. |
Nếu tính cả năm 2023, chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh cao gấp 1,5 lần doanh thu chuỗi Thế giới Di động và Topzone. Đây là tỷ lệ cao nhất trong lịch sử hoạt động của MWG (trừ hai tháng 7 - 8/ 2021 do ảnh hưởng của COVID) và là tháng thứ 9 trong năm 2023 doanh thu bán thịt, cá, rau… vượt mặt doanh thu từ bán điện thoại, máy tính.
Sự đối lập về kết quả kinh doanh càng thể hiện rõ khi số lượng cửa hàng Bách hóa Xanh tăng vọt, trái ngược với sự chững lại của chuỗi Thế giới Di động. Tại 31/12/2023, Bách hóa Xanh có 1.698 cửa hàng, Thế giới Di động và Topzone có 1.078 cửa hàng. Con số này vào thời điểm cuối năm 2017 lần lượt là 283 cửa hàng và 1.072 cửa hàng. Như vậy sau 6 năm, Bách Hóa Xanh ngày càng phình to và hiện đã gấp 1,6 lần quy mô của Thế giới Di động và Topzone.
2024 sẽ ra sao?
Cho năm 2024, MWG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo của MWG, năm 2024 nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường trên phạm vi toàn cầu. Công ty lựa chọn chủ động thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đổi, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này.
Nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, sau cuộc tái cấu trúc toàn diện bắt đầu từ quý IV/2023, MWG cho rằng công ty có dư địa để tiếp tục củng cố doanh thu và cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận
Về kế hoạch cụ thể cho năm sau, đối với các chuỗi đang kinh doanh, MWG có thể giảm số lượng điểm bán nếu không mang lại hiệu quả. Công ty sẽ tăng chất lượng phục vụ bằng cách tập trung nâng cao năng suất nhân viên, đầu tư hàng hóa đa dạng, triển khai các chương trình khuyến mãi.
MWG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng - liệu có khả thi? |
Cụ thể, Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh vẫn là trụ cột đóng góp khoảng 65% doanh thu và mang lại lợi nhuận chính cho MWG trong 2024.
Bách hóa Xanh dự kiến đóng góp của MWG khoảng 30% doanh thu, tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận từ 2024. Năm nay, MWG dự kiến mở mới cửa hàng Bách Hóa Xanh có chọn lọc để đảm bảo hiệu quả, tiếp tục tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ và tối ưu chi phí.
Còn với nhà thuốc An Khang, MWG đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước 31/12/2024. MWG cho biết, năm 2024 An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công.
Chuỗi AVAKids sẽ tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước 31/12/2024. Chuỗi này sẽ không chú trọng mở rộng điểm bán, các cửa hàng đóng vai trò là điểm trưng bày và giới thiệu hàng hóa đồng thời tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh bán hàng qua kênh online.
Còn chuỗi EraBlue - bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện máy tại Indonesia dự kiến tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần, trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia trong năm 2024.