Gạo, thủy sản giúp Tập đoàn PAN lãi 'khủng' trong năm 2023

z5108061284548_a0537c17b55ade1b45f248017cccf549

Vùng trồng lúa chất lượng cao của PAN tại Tháp Mười, Đồng Tháp. Ảnh: KN

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của PAN cho thấy doanh thu thuần đạt 4.196 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Biên lợi nhuận gộp đạt 23,8%, cải thiện so với mức 22,9% của quý IV/2022. Trừ đi các chi phí, PAN lãi sau thuế 363 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng 54%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) đạt 207 tỷ, tăng 58% so với quý cuối năm 2022.

Lũy kế cả năm 2023, PAN ghi nhận 13.205 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3,2% song lãi sau thuế tăng 3% lên 819 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 819 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2022.

Mảng gạo đóng gói đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung khi tận dụng tốt cơ hội giá gạo tăng cao để thúc đẩy biên lợi nhuận. Kết quả, biên lợi nhuận gộp của mảng gạo tăng trưởng mạnh từ khoảng 9% lên hơn 15% trong năm 2023.

Còn lĩnh vực thủy sản, mặc dù doanh số giảm tới 10%, nhưng lợi nhuận gần như đi ngang so với cùng kỳ do công ty tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, nên biên lợi nhuận được bảo toàn. Đây là kết quả rất tích cực so với tình hình chung ngành thủy sản năm 2023 khi xuất khẩu tôm giảm tới 21% và xuất khẩu cá tra giảm 25%.

Đại diện Tập đoàn PAN kỳ vọng năm 2024 sẽ tiếp tục có tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh với các động lực bao gồm lĩnh vực thủy sản (đóng góp doanh thu lớn nhất) được dự báo sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ; lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và mang lại hiệu quả cao khi đã đạt lợi thế tối ưu về chi phí nhờ quy mô; lĩnh vực thực phẩm đóng gói (bánh kẹo, hạt, nước mắm, cà phê) tiếp tục mở rộng khai thác thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng trong khi nhu cầu từ thị trường nội địa vẫn trên đà hồi phục.

Về diễn biến cổ phiếu, đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 26/1, cổ phiếu PAN tăng 700 đồng, lên 20.900 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình tài chính, cuối năm 2023, quy mô tài sản của PAN đạt 20.215 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm do tăng tới 3 lần khoản chứng khoán kinh doanh, từ 2,2 tỷ lên 6,7 tỷ. Đây cũng là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Theo báo cáo soát xét bán niên 2023 thì đây là khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tại các ngân hàng thương mại và hưởng lãi suất từ 5,65% đến 9%/năm. Các chứng chỉ tiền gửi trên được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn của PAN.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn ghi nhận 2.372 tỷ đồng tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng. Số lãi từ tiền gửi đóng góp quan trọng vào mức lãi kỷ lục của PAN trong năm 2023 với gần 500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ vay của PAN là 8.982 tỷ, chiếm 44% tổng nguồn vốn và vượt vốn chủ sở hữu (8.341 tỷ). Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm chủ yếu với 8.379 tỷ đồng, đều là vay ngân hàng còn 600 tỷ là dư nợ trái phiếu.

Năm qua, tập đoàn này đã vay tổng cộng 22.294 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 18.513 tỷ. Tổng chi phí lãi vay năm 2023 là 457 tỷ đồng.

Xem thêm tại nhadautu.vn