Garmex Sài Gòn (GMC): Vẫn "trắng" đơn hàng dệt may, kỳ vọng vào mảng bất động sản

Garmex Sài Gòn
Trong giai đoạn “rực rỡ” nhất từ năm 2017 - năm 2021, Garmex Sài Gòn có tới 4.000 nhân viên, người lao động.

Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (mã cổ phiếu GMC - sàn HoSE) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) về cập nhật tình hình và kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh chính (ngành may mặc) của công ty.

Cụ thể, Garmex Sài Gòn cho biết từ tháng 5/2023 đến nay, công ty không có bất cứ đơn hàng nào. Tại thời điểm đó, do đơn giá thấp và không có đơn hàng nên công ty đã tạm thời ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh may mặc và đã tiến hành cơ cấu lại lao động.

Trong giai đoạn “rực rỡ” nhất từ năm 2017 - năm 2021, Garmex Sài Gòn có tới 4.000 nhân viên, người lao động nhưng hiện tại chỉ còn vỏn vẹn 31 người. Công ty cho biết, trong năm 2022 đã cắt giảm 1.828 nhân sự và tiếp tục tục cắt giảm 1.947 nhân sự trong năm 2023.

Bên cạnh việc tái cơ cấu nguồn lao động, Garmex Sài Gòn cũng tiến hành rà soát và thanh lý một số tài sản cũ không có hiệu quả, tuy nhiên công ty cũng không hoàn toàn thanh lý và sẵn sàng khôi phục sản xuất nếu điều kiện thuận lợi.

Ngoài ra, công ty cũng đang theo dõi, thúc đẩy doanh nghiệp liên kết là Công ty Cổ phần Phú Mỹ hoàn thành dự án Nhà ở thương mại Phú Mỹ để mở bán sản phẩm tại dự án, nhằm thu hồi vốn đầu tư, ban lãnh đạo Garmex Sài Gòn cho biết.

Theo Garmex Sài Gòn, dự án Nhà ở thương mại Phú Mỹ đã hoàn thành xong cơ sở hạ tầng, sổ đỏ đã được cấp, có thể thực hiện bán hàng thu tiền. Điều này cũng thể hiện việc đầu tư ngoài lĩnh vực may mặc bắt đầu có hiệu quả.

Giá cổ phiếu GMC Garmex Sài Gòn
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu GMC của Garmex Sài Gòn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dệt may Thành Công (TCM): Lãi tháng 10 tăng 127%, đã có đơn hàng năm 2025" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về kế hoạch khôi phục lại ngành may, Garmex Sài Gòn cho biết hiện công ty cùng các cổ đông lớn đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ đối tác châu Âu, châu Mỹ. Theo đó, nếu có đơn hàng, công ty dự kiến sẽ triển khai sản xuất tại Nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025. Trong điều kiện thuận lợi, công ty kỳ vọng có thể khôi phục sản xuất tại nhà máy này với 1.200 lao động.

Garmex Sài Gòn tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp May TP.Hồ Chí Minh, được thành lập năm 1976 dưới hình thức là một doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2004, công ty này được cổ phần hóa. Đây cũng là thời điểm phát triển mạnh mẽ của ngành may Việt Nam sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực vào năm 2001.

Cùng với xu hướng tăng trưởng chung của toàn ngành may, hoạt động sản xuất kinh doanh của Garmex Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Qua đó, công ty này đã nhanh chóng trở thành doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hàng đầu tại TP.Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đối mặt với đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của Garmex Sài Gòn lao dốc mạnh khi gần như không có đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, do năng suất thấp và giá gia công cạnh tranh nên công ty tăng trưởng kém và lần đầu ghi nhận mức lỗ tới 85 tỷ đồng vào năm 2022.

Xem thêm tại tapchicongthuong.vn