Gemadept (GMD) nói gì khi cổ đông đề xuất thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%?
Sáng ngày 25/6, CTCP Gemadept (Mã GMD - HoSE) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024.
Cùng với kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng (+4% so với cùng kỳ) và 1.686 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-46%), Gemadept sẽ chào bán tối đa 103,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 29.000 đồng/cp - thấp hơn 65% giá trị trường. Tỷ lệ chào bán là 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu nhận 1 quyền mua mới).
Số tiền huy động hơn 3.000 tỷ dự kiến sẽ dùng 2.213 tỷ đồng để mua tài sản cố định, 558 tỷ đồng để góp vốn cho CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ nhằm giữ nguyên tỷ lệ 60% vốn. Phần còn lại sẽ dùng để trả nợ ngân hàng.
Gemadept là một trong những tên tuổi Top đầu nhóm khai thác cảng biển tại Việt Nam |
Dù không đưa ra con số cụ thể song dựa vào mã số cổ đông tham gia chất vấn ban lãnh đạo, tạm tính Gemadept đang ghi nhận ít nhất hơn 12.500 cổ đông, nắm giữ gần 310,5 triệu cổ phiếu.
Tại Đại hội, cổ đông mã số 10.092 hỏi: "Vốn điều lệ của công ty hiện là hơn 3.100 tỷ đồng - gần bằng tổng lợi nhuận giữ lại (tính đến cuối quý I/2024 là 3.472 tỷ đồng - PV). Tại sao công ty không phát hành cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 100%) mà lựa chọn phương án chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng?".
Phúc đáp, lãnh đạo Gemadept cho biết, việc lựa chọn giữa phát hành cổ phiếu thưởng hay chào bán thêm cổ phần tùy thuộc vào tình hình thị trường và chiến lược kinh doanh của công ty. Phát hành cổ phiếu thưởng sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành nhưng không giúp công ty huy động được nguồn vốn mới để triển khai các dự án và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo đó, phương án này chưa phù hợp với chiến lược phát triển ở thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp sẽ xem xét việc phát hành cổ phiếu thưởng sau khi các dự án đã hoạt động ổn định và mang về lợi nhuận tốt.
Cùng chủ đề, các cổ đông mã số 9.374, 7.075, 3.756 hỏi: "Tại sao Gemadept lựa chọn phát hành thêm cổ phiếu với chi phí vốn cổ phần cao trong dài hạn thay vì đi vay với lãi suất thấp hơn? Cổ phiếu phát hành thêm có bị hạn chế giao dịch không?".
Đại diện công ty cho biết, Gemadept là doanh nghiệp được các tổ chức tín dụng đánh giá cao vì các dự án đưa vào sản xuất kinh doanh hiệu quả, mỗi dự án chào thầu được rất nhiều ngân hàng quan tâm nên lãi suất đối với các dự án của Gemadept rất tốt.
Tuy nhiên, dự án M&A thường không được ngân hàng tài trợ nên Gemadept cần thu xếp chủ động nguồn vốn đồng thời cũng để đảm bảo nguồn vốn đối ứng khi tham gia dự án mới, đầu tư trang thiết bị, mở rộng hệ sinh thái.
Nguồn vốn thu được từ phương án phát hành sẽ được sử dụng cho mục đích mua sắm phương tiện thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, tăng vốn cho công ty phát triển và trả nợ vay.
Xét về phương diện cổ đông và nhà đầu tư, thị giá cổ phiếu GMD hiện đang tốt (giá kết phiên 25/6 là 83.000 đồng/cp) nên giá chào bán theo phương án phát hành được đánh giá là phù hợp. Cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị hạn chế giao dịch. Công ty xây dựng phương án phát hành này trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của cổ đông và chiến lược lược phát triển của Công ty.
Trả lời câu hỏi của cổ đông mã số 6.538 về kế hoạch tiếp cận dòng vốn xanh, lãnh đạo Gemadept thông tin, ngày 28/5, Ngân hàng HSBC và Gemadept đã ký kết Thỏa thuận tài trợ tín dụng liên kết bền vững. Đây là “dấu chân Xanh” tiếp theo trong kế hoạch phát triển, tiếp cận dòng vốn đầu tư trách nhiệm của công ty, khẳng định cam kết trong Chiến lược phát triển bền vững. Gói tín dụng liên kết bền vững này mở ra cơ hội để GMD tiếp tục tiếp cận và thu hút dòng vốn xanh trên thị trường.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn