Gemadept nối lại kế hoạch tăng vốn nghìn tỷ đồng
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Công ty cổ phần Gemadept (Mã: GMD) sẽ xin ý kiến cổ đông về phương án chào bán tối đa 103,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ thực hiện quyền 3:1.
Công ty đang có vốn điều lệ gần 3.105 tỷ đồng, nếu chào bán hoàn tất, vốn điều lệ mới tăng lên tối đa 4.140 tỷ đồng.
Với giá chào bán dự kiến 29.000 đồng/cổ phiếu, công ty muốn thu về hơn 3.000 tỷ đồng. Phần lớn nguồn tiền huy động 2.213 tỷ đồng sẽ dùng để mua sắm tài sản cố định, chi 231 tỷ đồng trả nợ ngân hàng và còn lại dùng để góp vốn vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ.
Ban lãnh đạo đánh giá việc tăng vốn điều lệ là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính, cân đối vốn cho các hoạt động thường xuyên và hoạt động đầu tư thời gian tới.
Thời gian dự kiến chào bán trong năm 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng và cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền mua một lần cho nhà đầu tư khác.
Thực tế, vào năm 2022, công ty cảng biển này đã từng đưa ra phương án phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty đã xin tạm dừng thực hiện trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, do có sự thay đổi theo căn cứ tình hình thị trường, kế hoạch kinh doanh 2023 và nhu cầu sử dụng vốn.
Gemadept triển khai lại kế hoạch tăng vốn trong bối cảnh cổ phiếu có đà tăng giá mạnh, đứng tại 84.000 đồng/cổ phiếu (ngày 5/6), đang neo quanh vùng đỉnh trong lịch sử. Nếu so với thời điểm đầu năm 2020, cổ phiếu này đã gấp 5,5 lần.
Như vậy, mức giá chào bán cho cổ đông hiện hữu chỉ bằng 1/3 thị giá, nhưng cao hơn giá trị sổ sách công ty tại ngày 31/12/2023 (28.050 đồng/cổ phiếu). Ban lãnh đạo nói giá phát hành trên được xác định dựa trên chiến lược phát triển và khu cầu vốn, khuyến khích cổ đông gắn bó và đóng góp cho sự phát triển công ty, đảm bảo tính khả thi của đợt chào bán.
Năm 2024, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu kỷ lục 4.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lãi trước thuế dự kiến giảm 46% còn 1.686 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lợi nhuận hoạt động chuyển nhượng vốn công ty con dự kiến giảm sâu từ 1.840 tỷ đồng xuống 336 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi vẫn tăng trưởng 15%.
Thực tế vào năm 2023, công ty hoàn tất thương vụ Cảng Nam Hải Đình Vũ mang về lợi nhuận đột biến hơn 1.800 tỷ đồng. Trong quý đầu năm nay, Gemadept bán tiếp toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Nam Hải.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Hội đồng quản trị trình kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 22% (tương đương 2.200 đồng/cổ phiếu). Tổng số tiền dự chi trên vốn điều lệ là 683 tỷ đồng.
Sau giai đoạn tái cấu trúc, Gemadept hiện còn sở hữu Cảng Nam Đình Vũ và ICD Nam Hải ở khu vực phía Bắc. Công ty cũng đang tập trung xúc tiến đầu tư hai dự án lớn là Cảng Gemalink giai đoạn 2 và Nam Đình Vũ giai đoạn 3.
Trong đó, Gemalink 2 có tổng đầu tư vào khoảng 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế cảng sẽ đạt 3 triệu TEU – mức cao nhất so với các đối thủ lớn khác trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực cảng mới dự kiến đưa vào khai thức từ 2025 – 2026.
Cảng Nam Đình Vũ có 3 giai đoạn, giai đoạn 1 khai thác từ 2018, giai đoạn 2 từ giữa 2023, giai đoạn 3 dự kiến khởi công từ đầu quý III năm nay với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Gemadept kỳ vọng phát triển Nam Đình Vũ trở thành cảng sông lớn nhất miền Bắc, nâng tổng công suất thêm 67% lên 2 triệu TEU.
Xem thêm tại vietnambiz.vn