Gemadept rót tiền vào cảng Nam Đình Vũ; VinFast huy động 2.000 tỷ trái phiếu; Hòa Phát chạy thử Dung Quất 2

Gemadept rót tiền vào cảng Nam Đình Vũ?

Theo kế hoạch, CTCP Cảng Nam Đình Vũ - công ty con do CTCP Gemadept sở hữu 60% vốn - sẽ chào bán hơn 93 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 1.000:733. Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần, Cảng Nam Đình Vũ dự kiến thu về hơn 930 tỷ đồng, tăng vốn từ 1.269 tỷ đồng lên hơn 2.199 tỷ đồng.

Cụm cảng Đình Vũ. Ảnh: ST

Với tỷ lệ sở hữu 60% Cảng Nam Đình Vũ, Gemadept dự kiến rót hơn 558 tỷ đồng vào công ty con này trong đợt chào bán sắp tới. Sau khi mua, tỷ lệ sở hữu của GMD tại công ty con không thay đổi.

GMD cho biết, nguồn vốn sử dụng để mua cổ phần đến từ lợi nhuận giữ lại chỉ hơn 356 triệu đồng, còn lại gần 558 tỷ đồng huy động từ chào bán cổ phiếu. Đây là một phần trong kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng vừa được Gemadept công bố, số lượng gần 104 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 3:1.

Ngoài khoản chi gần 558 tỷ đồng vào Cảng Nam Đình Vũ, Gemadept sử dụng 2.213 tỷ đồng để mua sắm tài sản cố định, bao gồm 3 tàu biển trọng tải khoảng 1,800 TEU (giá trị 1,350 tỷ đồng); 2 cẩu STS sức nâng 85 tấn (giá trị 654.5 tỷ đồng) và 7 sà lan sức chở 248 TEU (giá trị 208.5 tỷ đồng).

Gemadept cho biết chưa quyết định các đối tác mua bán, hiện đang trong quá trình làm việc với đơn vị môi giới để tìm kiếm và đàm phán với các đối tác để mua tàu biển; sẽ chào thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp cẩu STS, dự kiến một số bên như Doosan Enerbility Vietnam, Mitsui, KoneCrane…; sẽ chào thầu để lựa chọn xưởng đóng xà lan trong nước.

Cảng Nam Đình Vũ chính là một trong những trọng tâm đầu tư của Gemadept trong những năm tới. Sau khi đi vào vận hành giai đoạn 1 và 2, GMD hướng đến giai đoạn 3 với chiều dài cầu bến 660m (gồm 2 bến tàu container và 1 bến tàu hàng tổng hợp), diện tích 25 ha, tổng công suất 650 ngàn TEU/năm và 60.000 tấn/năm, cỡ tàu tiếp nhận 48 ngàn DWT đầy tải.

Dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 được khởi công vào tháng 7/2024 và hoàn thành vào tháng 12/2025. Khi hoàn tất 3 giai đoạn, cảng Nam Đình Vũ sẽ có diện tích 65 ha, chiều dài cầu bến 1.540m, công suất dự kiến 1,75 triệu TEU/năm, tổng vốn đầu tư lên đến 6.700 tỷ đồng.

VinFast huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu

VinFast đã hoàn tất thu 2.000 tỷ đồng (theo mệnh giá) từ lô trái phiếu mã VIFCB2426001, tương đương 30% lượng tiền Công ty dự kiến huy động qua kênh này trong năm nay.     

VinFast sẽ vay trái chủ 2.000 tỷ đồng trong 2 năm, đến ngày 10/10/2026.

Trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho biết đã phát hành 20.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Doanh nghiệp này sẽ vay trái chủ 2 ngàn tỷ đồng trong 2 năm, đến ngày 10/10/2026 với lãi suất cố định 13,5%/năm.

Trái phiếu do Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) lưu ký là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo đảm bằng 10 triệu cổ phiếu Vinhomes thuộc sở hữu của Vingroup. Lượng cổ phiếu hiện có giá khoảng 435 tỷ đồng (43.500 đồng/cổ phiếu, tính theo giá đóng cửa phiên sáng 11/10/2024).

Dữ liệu từ HNX cho thấy, đây là lô trái phiếu đầu tiên của VinFast trong năm 2024 kể từ đợt phát hành cuối cùng vào tháng 7 năm ngoái. Hiện công ty con của Tập đoàn Vingroup đang lưu hành 16 lô trái phiếu trị giá khoảng 21,1 ngàn tỷ đồng; dự kiến đáo hạn khoảng 11,5 ngàn tỷ đồng cuối năm nay và 7,6 ngàn tỷ đồng trong năm 2025.

Nửa đầu năm 2024, VinFast đã dành hơn 1 ngàn tỷ đồng để trả lãi trái phiếu.

Cũng trong tuần qua, ngày 9/10, HĐQT Vingroup đã phê duyệt việc cấp bảo lãnh thanh toán và sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Vingroup để đảm bảo cho trái phiếu phát hành bởi công ty con là VinFast. Theo đó, trong năm 2024, lượng trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá tối đa 6,5 ngàn tỷ đồng do CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast phát hành sẽ được Tập đoàn Vingroup bảo lãnh.

Cuối năm nay, Hòa Phát chạy thử Dung Quất 2

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 105 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024.

Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với doanh thu hơn 34 ngàn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Bản tin tự công bố ngày 9/10 của Tập đoàn chưa tiết lộ các con số về lợi nhuận trong quý vừa qua.

 Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2.

Hòa Phát đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm. Hiện, đại dự án này đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Theo tiến độ này, phân kỳ 1 dự kiến có sản phẩm chạy thử nóng lò cán đầu tiên vào cuối năm 2024.

Hòa Phát cho biết thị trường thép quý III/2024 nhìn chung còn nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, giá bán có xu hướng giảm. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép của Tập đoàn trên 2 triệu tấn, giảm 7% so với quý 2 năm nay.

Trong khi đó, sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao quý 3 đạt gần 1.1 triệu tấn, cũng giảm 14% so với quý trước. Thị phần thép xây dựng trong nước vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 38%.

Công ty con của KBC và Trump Organization xây tổ hợp sân golf 

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên với đại diện với Tổ hợp các nhà đầu tư được Tập đoàn Trump Organization lựa chọn gồm Tập đoàn Phát triển Hưng Yên và 2 quỹ đầu tư của Mỹ là IDG và Horitus để xây dựng tổ hợp cao cấp, hiện đại, quy mô lớn đủ tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD đã diễn ra tại New York (Mỹ).

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên với đại diện với Tổ hợp các nhà đầu tư được Tập đoàn Trump Organization lựa chọn.

Hệ thống sân golf 54 hố theo tiêu chuẩn Trump Organization phục vụ cho đại chúng và phục vụ tổ chức các giải trong nước và quốc tế, cùng hệ thống khách sạn, villa kèm dịch vụ đồng bộ sẽ tạo ra điểm nhấn nhằm thu hút du lịch và lưu trú.

Cùng ngày, ông Donald Trump cũng chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Trump Organization và Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Trước đó, UBND tỉnh Hưng Yên có buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn The Trump Organization (Mỹ), theo đề xuất từ CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên là công ty con do KBC sở hữu 93,93% tính tới 30/06/2024. Cả 2 doanh nghiệp hiện đều do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT.

Công ty có trụ sở tại tỉnh Hưng Yên, thành lập năm 2021, hiện có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng,là doanh nghiệp phát triển các dự án bất động sản công nghiệp, khu đô thị và chuỗi nhà ở xã hội.

AAn xuất khẩu gạo Japonica vào Nhật Bản

Tập đoàn Tân Long xuất khẩu gạo Japonica mang thương hiệu AAn vào thị trường Nhật Bản. Japonica là một loại gạo được sử dụng phổ biến trong văn hóa ẩm thực Nhật, Hàn Quốc và một số quốc gia khác.

Tập đoàn Tân Long xuất khẩu gạo Japonica mang thương hiệu AAn vào thị trường Nhật Bản.

 "Sự kiện khẳng định vị thế của gạo AAn khi là thương hiệu gạo Việt Nam vượt qua những tiêu chuẩn kiểm định tại một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế", đại diện Tập đoàn Tân Long chia sẻ.

Theo ông Yoshino Takeshi, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Kiraboshi, hiện có gần 600.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản tạo ra nhu cầu lớn sử dụng các sản phẩm quê hương, trong đó có gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu gạo trong nước nên việc tìm nguồn gạo thay thế rất cấp bách.

Gạo Japonica AAn có nét tương đồng với gạo của Nhật nên cũng được xem xét là sản phẩm thay thế tiềm năng. "Thông qua các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp hai nước như hôm nay, chắc chắn gạo Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế trong việc mở rộng tại thị trường Nhật Bản", ông Yoshino Takeshi  nhận định.

Trước đó, tháng 6/2022, gạo AAn lần đầu xuất khẩu thành công dòng gạo ST25 sang Nhật Bản và được sử dụng làm nguyên liệu chính trong món cơm chiên phục vụ các cán bộ tại văn phòng nội các tại đây.

Xem thêm tại baodautu.vn