GenZ đang rất hứng khởi với thị trường chứng khoán
Tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới - Cơ hội mới" do Báo Đầu tư - Đầu tư Chứng khoán tổ chức sáng 23/7, các nhà quản lý và chuyên gia đều cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang đón nhận nhiều cơ hội từ bối cảnh vĩ mô.
Theo đó, Việt Nam đang là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất do được đón nhận sự dịch chuyển làn sóng đầu tư toàn cầu, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa các nước lớn.
Sở dĩ chúng ta thu hút làn sóng đầu tư này do có lợi thế về chính trị ổn định, giữ được đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, hành lang pháp lý trong lĩnh vực đầu tư ngày càng được cải thiện, đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ và các thành viên thị trường đối với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025...
Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế dân số đang ở giai đoạn "vàng". Đối với thị trường chứng khoán, thời gian qua, chúng ta chứng kiến nhiều phiên giao dịch tỷ USD với sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư thuộc thế hệ trẻ, trong đó có cả thế hệ GenZ (sinh từ năm 1997 đến 2012). Việc tận dụng thế hệ dân số trẻ nói trên để phát triển thị trường chứng khoán đang là mối quan tâm của các nhà quản lý, đặc biệt là các công ty chứng khoán.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhận định, đây là một lực lượng cực kỳ mạnh. Trong tổng số tài khoản cá nhân được mở mới ở TCBS nửa đầu năm nay, có tới 56% đến từ là nhà đầu tư dưới 30 tuổi.
"Họ đang rất hứng khởi. Họ học rất nhanh, có thể ban đầu họ chưa có kiến thức, kinh nghiệm tài chính, nhưng chúng tôi cung cấp cho họ nền tảng công nghệ để đi vào thị trường tài chính thì họ tiếp cận rất nhanh.
Họ hành động giao dịch rất nhanh và chịu trách nhiệm với hành động đó. Họ cũng rất thích những công nghệ mới. Đó là động lực giúp chúng tôi đưa ra những sản phẩm công nghệ giúp họ vào thị trường nhanh nhất", CEO TCBS nói.
Bà Hiền cho biết, để ghi sổ trái phiếu, TCBS đã sử dụng blockchance (cơ sở dữ liệu được chia sẻ dưới dạng công nghệ chuỗi, khối); để phân bổ tài sản, chúng tôi dùng robot advisor (cố vấn kỹ thuật số về lập kế hoạch tài chính tự động); để gợi ý đầu tư chúng tôi dùng AI (trí tuệ nhân tạo)…
Ngoài ra, TCBS cũng dùng Generative AI (AI tạo sinh: là một nhánh của trí tuệ nhân tạo tập trung vào khả năng tạo ra nội dung mới mẻ và đa dạng dựa trên dữ liệu đầu vào ban đầu) để nâng cao trải nghiệm đầu tư cho khách hàng và nhà đầu tư trẻ rất hào hứng vì điều đó.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, CEO TCBS (người thứ hai từ phải sang) tại Tọa đàm sáng 23/7 |
Theo Lãnh đạo Công ty Chứng khoán TCBS, chúng ta đang có một thế hệ nhà đầu tư trẻ đầy hứng khởi với thị trường, mạnh dạn đầu tư, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng thử sức với công nghệ mới. Do đó chúng ta cần cung cấp cho họ nhiều sản phẩm mới để thu hút ngày càng nhiều những nhà đầu tư này gia nhập thị trường.
Đề xuất chọn công ty chứng khoán và nhà đầu tư đủ tiềm lực để thí điểm mô hình sản phẩm chứng khoán mới
Khi được hỏi giải pháp nào giúp thị trường có thêm hàng hóa tốt để thu hút nhà đầu tư trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, những động thái mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang sát sao thực hiện để phát triển và minh bạch hóa thị trường chứng khoán, sẽ tạo ra khung pháp lý tương đối mở cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường.
Bản thân các doanh nghiệp hiện nay cũng đang mong muốn có thêm lòng tin và động lực để gia nhập và mở rộng đầu tư. Bà Hiền tin rằng khung pháp lý mới sẽ đáp ứng được điều này.
Chia sẻ về chiến lược của TCBS, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, 10 năm trước khi TCBS tham gia vào thị trường thì thị trường đã có 70 công ty chứng khoán, nếu chỉ đi theo hướng phát triển thị trường cổ phiếu thì rất khó có thể đuổi kịp các đối thủ đi trước. Vì thế, TCBS chọn hướng đi khác là đi vào thị trường quản lý gia sản (WM - Wealth Management).
"Chúng tôi dành khá nhiều thời gian đi vào thị trường trái phiếu, thị trường chứng chỉ quỹ và ba năm gần đây khi đã tích lũy đủ vốn, chúng tôi bắt đầu quay lại phát triển thị trường cổ phiếu. Như vậy, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian để phát triển các sản phẩm, làm sao có những sản phẩm chuyên biệt, sản phẩm mới cho thị trường, đó cũng chính là xu hướng phát triển “Wealth” mà các nhà đầu tư cần để phân bổ tài sản", Tổng giám đốc TCBS nói..
Theo nữ CEO này, ngày xưa, thời của cha mẹ chúng ta, thị trường đầu tư mới chỉ có thị trường bất động sản và tiền gửi, sau đó cách đây 24 năm bắt đầu có thị trường cổ phiếu (phiên giao dịch cổ phiếu đầu tiên diễn ra vào ngày 28/7/2000) và những năm gần đây có thêm thị trường trái phiếu, chứng chỉ quỹ.
Từ đó, bà Hiền nhận định, việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các kênh đầu tư là một xu thế tất yếu và tin rằng sẽ sớm thôi, nhất là sau khi thị trường chứng khoán được nâng hạng vào năm 2025, chúng ta sẽ có thêm những sản phẩm cấu trúc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, CEO TCBS trả lời báo chí bên lề Tọa đàm (Ảnh: Dũng Minh) |
Đánh giá về xu hướng phát triển thị trường chứng khoán, Tổng giám đốc TCBS cho rằng có hai xu hướng chính: Một là, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm đầu tư và tài sản của nhà đầu tư ngày càng phân bố nhiều hơn vào các sản phẩm tài chính (sản phẩm phi tài chính bị thu hẹp); hai là (cũng là cách mà TCBS đã đi) xu hướng công nghệ ngày càng chiếm ưu thế.
"Chúng tôi đi vào mô hình phát triển bền vững nhờ công nghệ, phát triển platform. Cho nên chúng tôi thực sự không có một nhân viên môi giới nào (non broker), thay vào đó chúng tôi dùng công nghệ để đưa thông tin đến cho nhà đầu tư một cách nhanh nhất", bà Hiền nói và khẳng định, các nhà đầu tư bây giờ cũng sẽ cảm thấy bị thu hút nếu có kênh đầu tư tiết kiệm thời gian nhất cho họ.
Do đó, trên nền tảng của mình, TCBS cố gắng đưa những thông tin tự động để nhà đầu tư có thể đọc toàn bộ phân tích, giúp họ đặt lệnh nhanh và bắt kịp các cơ hội thị trường.
Tiếp theo, nhà đầu tư có thể nhìn thấy được toàn bộ danh mục đầu tư của họ đang phân bổ như thế nào cũng như toàn bộ các cơ hội đang có. Cuối cùng, Công ty chứng khoán này giúp họ phân bổ tài sản để tối ưu hóa danh mục.
"Chúng tôi đã đề xuất thí điểm sản phẩm chứng khoán mới dựa trên công nghệ bằng cách tạo nên một mô hình “sandbox”. Theo đó, sẽ chọn ra một số công ty chứng khoán, định chế tài chính trung gian đủ tiềm lực và những nhà đầu tư rất am hiểu thị trường, dám đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình; để có thể thí điểm tạo ra một số sản phẩm cấu trúc cho thị trường", bà Hiền nói và nhấn mạnh, chỉ có cách đó mới giúp thị trường của chúng ta bắt kịp các thị trường khác trong khu vực.
Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" có sự đồng hành của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC), Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI).