Giá bán phốt pho giảm, lợi nhuận DGC sụt về mức thấp nhất 2 năm
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) ghi nhận doanh thu quý I giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2.385 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ phân bón các loại tăng 24%, doanh thu DAP tăng 99%, doanh thu từ bột giặt và các chất tẩy rửa tăng 21%.
Ngược lại, doanh thu từ phốt pho vàng và H3PO4 giảm 4% do giá bán trong nước và thế giới đều sụt giảm.
Chi phí giá vốn nhích nhẹ 1,6%, làm lợi nhuận gộp của DGC giảm gần 14% về mức 766 tỷ đồng. Biên lãi gộp co từ 55,9% (quý I/2023) về 47,33%, tương đương giảm 8,57 điểm phần trăm.
Doanh thu từ hoạt động tài chính đi ngang, các khoản lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá đều ghi nhận tương đương so với cùng kỳ, đạt hơn 165 tỷ đồng.
Chi phí tài chính và chí bán hàng giảm lần lượt 10% và 8,5%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,6%, lần lượt đạt 18 tỷ đồng, 105 tỷ đồng và 40,4 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, DGC báo lãi sau thuế gần 704 tỷ đồng, giảm 14,5% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2023.
Tính theo quý, đây là mức lợi nhuận thấp nhất của DGC kể từ thời điểm cuối năm 2021. Từ quý II/2023 đến nay, lợi nhuận của DGC đều có xu hướng giảm dần so với quý liền trước.
Năm 2024, DGC lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng, tăng gần 5% so với thực hiện năm 2023. Về lợi nhuận, doanh nghiệp chỉ kỳ vọng lãi sau thuế đạt 3.100 tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm 2023. Như vậy sau 3 tháng đầu năm, DGC đã hoàn thành 23,4% kế hoạch về doanh thu và 22,7% kế hoạch về lợi nhuận.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của DGC đạt hơn 14.458 tỷ đồng, giảm 6,9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp đã giảm mạnh lượng tiền và tương đương tiền từ hơn 1.060 tỷ đồng (đầu năm) còn hơn 113 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 89%.
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chủ yếu là tiền gửi từ trên 3 tháng đến 12 tháng tăng thêm 114 tỷ đồng lên mức hơn 9.456 tỷ đồng. Hàng tồn kho vẫn duy trì ở mức hơn 859 tỷ đồng, tương đương với thời điểm đầu năm.
Ở bảng nguồn vốn, tổng nợ phải trả của DGC tính tới cuối quý I giảm 44% còn hơn 1.948 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ghi nhận hơn 920 tỷ đồng, tức giảm hơn 400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DGC tại thời điểm cuối quý I đang âm hơn 1.773 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 là dương 18,8 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch Đào Hữu Huyền cho biết kết quả kinh doanh quý I của DGC sẽ không khả quan do vướng tháng Tết. Theo ông, việc DGC lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi không hẳn là thận trọng mà là khó khăn.
“Năm nay, doanh nghiệp phấn đấu lãi 3.000 tỷ là không hề đơn giản, chưa kể vấn đề điện tăng giá. Hiện tại, tình hình tiêu thụ của tập đoàn vẫn tốt, có gì là bán hết, không ế nhưng giá cả không phải cao. Nếu đặt kế hoạch quá cao thì dễ thành PR cổ phiếu”, Chủ tịch DGC cho biết.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong giai đoạn 2026-2028, giá phốt pho vàng khó có thể quay lại mức đỉnh vào năm 2022. Tuy nhiên, SSI cho rằng DGC có thể đạt lợi nhuận tương đương mức đỉnh năm 2022 (6.000 tỷ đồng), nhờ hiện tại công ty có nhiều lợi thế.
Một là công suất hoạt động nhà máy phốt pho vàng tăng lên sau khi bổ sung công suất từ năm 2024. Hai là giá bán bình quân tăng trưởng ổn định do nhu cầu bán dẫn ngày càng tăng.
Ba là việc chuyển đổi dần từ các sản phẩm thượng nguồn sang hạ nguồn (như axit photphoric LCD, chiếm khoảng 10% axit photphoric vào thời điểm hiện tại) với biên lợi nhuận cao hơn.
Bốn là tăng tỷ lệ sử dụng quặng tự khai thác giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào và năm là sự đóng góp từ nhà máy Chlo-Alkali Nghi Sơn.
SSI cho biết DGC sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy ChloAlkali Nghi Sơn vào tháng 6/2024 (dự kiến đi vào hạt động vào năm 2026 và dự kiến có lợi nhuận dương từ năm 2027).
Với việc tăng tỷ lệ sử dụng quặng tự khai thác và chuyển sang các sản phẩm hạ nguồn, DGC hiện vận hành chuỗi giá trị tích hợp theo chiều dọc cho các sản phẩm phốt phát, tạo sự khác biệt với các doanh nghiệp xuất khẩu phốt pho vàng khác và hoàn thiện chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
Về tiềm năng của doanh nghiệp trong làn sóng bán dẫn, Tổng giám đốc Đào Hữu Duy Anh cho hay, nếu Việt Nam sản xuất chất bán dẫn, DGC chắc chắn sẽ hưởng lợi.
“Nhà máy sản xuất chất bán dẫn cơ bản là nhà máy hóa chất. Họ sẽ cần rất nhiều hoá chất đầu vào như H2S04, H3PO4, PCl3, xút, oxy già,… nhưng yêu cầu độ tinh khiết cao hơn. Vì vậy, tập đoàn đang tiến hành nghiên cứu để bước đầu đạt yêu cầu của các nhà máy bán dẫn”, ông Duy Anh chia sẻ.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn