Giá cao su có thể tiếp tục tăng đến cuối năm

MBS cho rằng giá cao su xuất khấu của Việt Nam duy trì ở mức cao cho tới cuối năm nhờ nguồn cung thiếu hụt, diện tích cao su giảm do xu hướng chuyển đổi đất cao su. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đã tăng đáng kể. Chủ yếu do ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là nhiệt độ cao kéo dài và thời tiết khô hạn do hiện tượng El Niño gây ra tại các khu vực sản xuất chính ở Đông Nam Á.

Điều kiện khí hậu không thuận lợi này dẫn đến lượng mưa không đủ, từ đó hạn chế sản lượng cao su nguyên liệu và thắt chặt nguồn cung trên thị trường.

Mặc dù thời tiết đã được cải thiện trong thời gian gần đây nhưng cơn báo Yagi trong tháng 9 vừa qua đã khiến công việc khai thác cao su gặp khó khăn, làm trì hoãn nguồn cung nguyên liệu dự kiến tăng trong mùa cao điểm khiến giá cao su tăng “dựng đứng”.

Trong 9 tháng 2024, giá cao su thế giới tăng mạnh đã hỗ trợ cho giá cao su xuất khẩu của Việt Nam. 

Tại thời điểm cuối tháng 9, giá cao su RSS3 đạt 418 yên/kg tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và giá cao su TSR20 đạt 212 USD/kg tăng 55%. 

Giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam trong tháng 9 đạt 1.697 USD/tấn tăng 30% so với cùng kỳ.

MBS cho rằng giá cao su xuất khấu của Việt Nam duy trì ở mức cao cho tới cuối năm nhờ nguồn cung thiếu hụt, diện tích cao su giảm do xu hướng chuyển đổi đất cao su. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

 Nguồn: MBS, ANRPC

Về nguồn cung, hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tiếp tục nâng dự báo thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trong năm nay. 

ANRPC hạ dự báo nguồn cung cao su tự nhiên năm 2024 từ 14,54 triệu/tấn xuống 14,5 triệu/tấn do tác động của điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina. Bệnh rụng lá lan rộng tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng cao su. Người dân trồng cao su tại nhiều nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại. 

Ngoài ra, các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng, hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường. Thái Lan (chiếm 33% sản lượng thế giới) cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia – đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới – có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn. 

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp bởi cho thuê đất khu công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cao su. 

Qua đó, ANRPC dự báo năm 2024 sản lượng cao su thế giới chỉ tăng 0,4% và sản lượng cao su của các nước thành viên hiệp hội giảm 0,6%. 

Về nhu cầu, ANRPC điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu trong năm nay từ 15.67 triệu tấn lên 15.75 triệu tấn với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc dần phục hồi bởi nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đi 0.5%, giảm lãi suất repo 7 ngày 20 điểm cơ bản xuống 1.5%). 

ANRPC dự báo nhu cầu cao su thế giới sẽ tăng nhanh ở mức 2,3% trong năm 2024.

https://vietnambiz.vn/gia-cao-su-co-the-tiep-tuc-tang-den-cuoi-nam-2024101072138845.htm

Xem thêm tại vnrubbergroup.com