Giá cước container lại neo cao như thời Covid, triển vọng nào cho cổ phiếu nhóm cảng biển?
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển tiếp tục khiến giá cước container tăng cao tương tự như giai đoạn 2021 khi sự kiện tàu Evergiven mắc cạn. Giá cổ phiếu vận tải biển được dự báo hưởng lợi lớn, theo nhận định của SSI Research.
Về tình hình Biển Đỏ, việc tàu chở hàng hóa chuyển hướng vòng qua Mũi Hảo Vọng sẽ tác động lan tỏa tới cả chuỗi cung ứng và đẩy giá cước vận tải tăng lên. Gần đây, Chỉ số Container Thế giới (WCI) gần đây đã đạt mức 4.716 USD/FEU (áp dụng cho container 40 feet), tăng 181% so với cùng kỳ và tương đương với 232% so với mức trung bình năm 2019 (1.420 USD/FEU).
Trong khi đó, giá cho thuê tàu định hạn đối với tàu 1700 TEU tăng 65% từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 5 và hiện tại mức tăng đã đạt 90% so với đầu năm.
Có 2 lý do chính dẫn đến việc tăng giá cước như sau: Về phía cung, tác động của việc chuyển hướng khỏi Biển Đỏ kể từ tháng 2/2024 đã xuất hiện dần ở những nút thắt của chuỗi cung ứng. Ví dụ như tại các cảng ở khu vực Đông Nam Á, tâm điểm chính là Cảng Singapore, cảng lớn thứ hai thế giới tính theo tổng trọng tải vận chuyển và là cụm cảng container lớn nhất thế giới. Các tàu hiện phải chờ 7 ngày để cập bến cảng so với thời gian nửa ngày trong tình trạng bình thường.
Tình trạng tắc nghẽn cũng đang diễn ra ở các cảng khác như Dubai hoặc Rotterdam. Việc mất cân bằng số lượng container cũng dẫn đến việc thiếu hụt container tại một số cảng trọng điểm ở Trung Quốc, càng đẩy giá cước vận tải lên cao.
Về phía cầu: Sau một năm 2023 trải qua tình trạng cắt giảm lượng hàng tồn kho, các doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất đã có xu hướng tăng lượng hàng tồn kho trở lại kể từ Q1/2024. Với những diễn biến xảy ra trong giai đoạn dịch Covid, các doanh nghiệp vận chuyển cố gắng vận chuyển hàng hóa sớm để tránh tình trạng tắc nghẽn vào cuối năm.
Hơn nữa, nhu cầu vận chuyển tăng mạnh từ Trung Quốc đến các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, trước khi Mỹ áp dụng mức thuế mới, cao hơn đáng kể đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng là một lý do khác đẩy giá cước vận chuyển container tăng mạnh gần đây.
Nhìn lại quá khứ, sự kiện tàu Evergiven mắc cạn làm tê liệt kênh đào Suez trong 6 ngày vào tháng 5/2021, cùng với tình trạng thiếu hụt container trong thời gian này đã tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng và đẩy giá cước giao ngay tăng vọt 100% trong vòng 6 tháng, kể từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021. Chuỗi cung ứng chỉ có thể ổn định lại sau khi kết thúc mùa cao điểm vào cuối năm đó.
Mặc dù nguyên nhân khác nhau nhưng có thể thấy rằng cả hai trường hợp hiện tại và quá khứ đều chứng kiến việc quãng đường di chuyển đẩy nhu cầu TEU-dặm cao hơn, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại cảng sẽ tăng cao sau nửa năm kể từ khi tình trạng này bắt đầu.
Hiện tại chỉ mới bắt đầu mùa cao điểm vận chuyển, những áp lực hiện tại sẽ tiếp tục diễn ra, thậm chí tăng lên vào mùa cao điểm và có thể chỉ dịu bớt vào Q4/2024 khi mùa vận chuyển cao điểm kết thúc, khi các hãng vận tải có thể sắp xếp lại chuỗi cung ứng.
Vì vậy, trong kịch bản cơ bản giả định rằng tình hình kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi vào cuối năm giúp duy trì nhu cầu vận chuyển, giá cước vận chuyển container giao ngay và giá cho thuê tàu định hạn sẽ tiếp tục neo ở mức cao này cho đến cuối năm nay.
Nếu điều này diễn ra, theo SSI Research, HAH sẽ là một trong những hãng vận tải container được hưởng lợi từ tình trạng này, nhờ số lượng tàu lớn và tuyến hoạt động đa dạng, với 40% công suất hoạt động tại thị trường cho thuê tàu định hạn và hợp tác với các hãng tàu hàng đầu thế giới (như hãng vận tải ZIM của Israel và ONE của Singapore) tại các tuyến Nội Á.
Theo đó, cước cho thuê tàu định hạn lên 15% trong năm 2025. Ngoài ra, giả định rằng giá cước vận chuyển giao ngay sẽ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ trong năm 2024 và 2025 do kỳ vọng về gián đoạn sẽ tiếp tục kéo dài và nhu cầu vận chuyển cao hơn ở thị trường Đông Nam Á.
Trong năm 2024, do giá cước cho thuê tàu định hạn đã được cố định đến cuối năm, việc điều chỉnh giả định giá cước vận chuyển giao ngay chỉ ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận ròng. Theo đó, lợi nhuận của HAH được kì vọng sẽ đi ngang so với năm 2023, so với mức giảm 2% như trong ước tính gần nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giữ quan điểm về việc HAH sẽ ghi nhận mức tăng trưởng svck dương từ Q2/2024.
Việc điều chỉnh giả định chủ yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận ước tính của năm 2025, vì hầu hết các hợp đồng cho thuê tàu đều được gia hạn vào cuối năm nay. Theo đó, lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ (NPATMI) năm 2025 ước đạt khoảng 540 tỷ đồng (+39% so với cùng kỳ), tương ứng với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 4.911 đồng. SSI điều chỉnh tăng 21% ước tính cho cả NPATMI và EPS so với ước tính gần đây nhất.
SSI đưa ra giá mục tiêu mới cho HAH theo phương pháp DCF là 54.000 đồng/cổ phiếu chủ yếu là do triển vọng tốt hơn cho năm 2025, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 11,2%.
Xem thêm tại vneconomy.vn