Giá cước vận tải dầu khí biển tăng cao, triển vọng nào cho bộ ba PVT, PVP, PDV?
Chứng khoán Rồng Việt vừa đưa ra những nhận định về ngành vận tải dầu khí với điểm nhấn triển vọng sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới.
Vào giữa tháng 11 năm 2023, các nhóm phiến quân Houthi từ Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu xung quanh eo biển Bab el-Mandeb và Biển Đỏ. Ban đầu, các cuộc tấn công này chủ yếu nhắm đến các tàu container chở hàng không phải năng lượng, nhưng khi tình hình leo thang, ngày càng nhiều tàu chở dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã phải tránh tuyến đường Bab el-Mandeb và Kênh đào Suez, lựa chọn lộ trình dài hơn vòng quanh Châu Phi.
Việc chuyển sang các tuyến đường dài hơn không chỉ làm tăng chi phí vận chuyển mà còn kéo dài thời gian hành trình từ 10 đến 15 ngày so với trước đây. Các tàu chở dầu chọn đi qua Bab el-Mandeb và Kênh đào Suez đã phải đối mặt với phí bảo hiểm rủi ro cao hơn, làm gia tăng chi phí logistics cho các công ty vận tải.
Theo thống kê, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua Kênh đào Suez trong tháng gần nhất chỉ đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 74% so với mức trung bình năm 2023. Trong khi đó, thông lượng vận chuyển qua Mũi Hảo Vọng đã tăng lên gần 6,0 triệu tấn, tăng 65% so với mức trung bình năm 2023. Dự báo cho năm 2024 cho thấy thông lượng qua Kênh đào Suez chỉ đạt khoảng 30% so với mức trung bình giai đoạn 2019-2023, cho thấy rằng các gián đoạn tiếp tục có thể làm giảm đáng kể lượng hàng hóa qua tuyến này.
Tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ vẫn đang diễn biến phức tạp. Lực lượng Houthi, được Iran hậu thuẫn, tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào Israel. Ví dụ, vào ngày 21/12 vừa qua, Lực lượng Houthi tuyên bố đã tấn công một "mục tiêu quân sự" ở khu vực Jaffa thuộc miền Trung Israel bằng tên lửa đạn đạo. Sự leo thang này không chỉ tạo ra rủi ro cho an ninh hàng hải mà còn khiến các hãng tàu phải xem xét lại lộ trình vận chuyển của họ.
Căng thẳng tại các điểm nghẽn như Eo biển Bab-el-Mandeb và Eo biển Hormuz có khả năng đẩy giá cước tàu chở dầu lên cao hơn do chi phí bảo hiểm gia tăng. Năm 2023, sản lượng dầu và khí LNG qua Eo Hormuz chiếm khoảng 1/4 và 1/5 tổng sản lượng toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng của khu vực này đối với an ninh năng lượng toàn cầu. BIMCO dự báo rằng căng thẳng địa chính trị tại khu vực này vẫn tiếp tục mức độ như năm 2024.
Theo đó đây cũng chính là yếu tố hỗ trợ giá cước vận tải dầu khí trên biển nói riêng và vận tải biển nói chung trong năm tới.
Bên cạnh đó, chính sách gia tăng xuất khẩu dầu khí của ông Trump đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển dầu từ Vịnh Hoa Kỳ đến Châu Á. Kế hoạch năng lượng toàn diện của ông tập trung vào việc phê duyệt giấy phép cho các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), tăng cường khoan dầu ngoài khơi và trên các vùng đất liên bang.
Theo báo cáo tháng 12/2024 của IEA, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,9 triệu thùng mỗi ngày (mb/d) vào năm 2025. Trong đó, nguồn cung ngoài OPEC+ sẽ tăng khoảng 1,5 mb/d, với sự đóng góp lớn từ Hoa Kỳ, Brazil, Guyana, Canada và Argentina. Nhu cầu dầu thế giới cũng dự kiến sẽ tăng từ 840.000 thùng mỗi ngày vào năm 2024 lên 1,1 mb/d vào năm 2025, trong đó, Châu Á được dự đoán là khu vực dẫn dắt sự tăng trưởng nhu cầu dầu này, trong khi nhu cầu của các thành viên OECD và đặc biệt là ở Trung Quốc đã chậm lại đáng kể.
Dù vậy, tình trạng dư cung tiềm ẩn có thể được giảm bớt nhờ quyết định của OPEC+ về việc duy trì cắt giảm sản lượng thêm ba tháng và kéo dài thời gian tăng cường thêm chín tháng đến tháng 9/2026. Điều này có thể giúp ổn định thị trường và gia tăng hoạt động vận chuyển dầu khí, đặc biệt là tuyến đường từ Vịnh Hoa Kỳ sang Châu Á.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải dầu khí không chỉ hoạt động độc lập mà còn gia nhập các liên minh toàn cầu như Womar Pool và Hafnia Pool để nâng cao vị thế trong việc đàm phán giá cước thuê tàu biển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động sang các khu vực như Mỹ và Châu Âu, thay vì chỉ tập trung vào Châu Á, Đông Nam Á, Nhật Bản và Trung Đông. Điều này cho thấy phù hợp giữa dòng chảy thương mại và xu hướng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải dầu khí nước ta.
Do vậy, VDSC kỳ vọng với sự đồng điệu này, các doanh nghiệp vận tải dầu khí của nước ta như PVT, PVP, PDV sẽ có nhiều hoạt động tích cực trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong bối cảnh ngành vận tải dầu khí đường biển tiếp tục khả quan.
Xem thêm tại vneconomy.vn