Giá đất tại TP.HCM tăng hàng chục lần với bảng giá mới; Vincom Retail giữ đà lãi ròng nghìn tỷ

Đó là một số thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

TP.HCM xây lại bảng giá đất, nhiều khu vực tăng giá hàng chục lần

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo về ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND về bảng giá đất trên địa bàn.

Bảng tính mới dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12/2024. Sau đó, các cơ quan sẽ tổng kết, đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội để tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất áp dụng từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2025.

Với bảng giá đất mới, đường Lê Lợi sẽ có giá đất lên tới 810 triệu đồng/m2, tăng gấp 5 lần so với mức giá hiện hành. Ảnh: Lê Toàn


Tại dự thảo, dự kiến trong 5 tháng cuối năm 2024, đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Lê Lợi có giá đất mới khoảng 810 triệu đồng/m2, tăng 5 lần so với mức quy định trước đây.

Một số khu vực lân cận như đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Minh đến cầu Nguyễn Tất Thành) cũng có giá đất lên tới 528 triệu đồng, tăng 422,4 triệu/m2 đồng so với khung giá hiện hành. Đường Phạm Hồng Thái có giá đất là 418 triệu đồng/m2, tăng 334,4 triệu đồng/m2 so với lúc trước.

Tại TP. Thủ Đức, khung giá đất hiện hành chỉ quy định mức giá dao động từ 5 – 7 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện các con số đã tăng vọt. Ví dụ như đường Trần Não, nơi này dự kiến có giá đất lên tới 149 triệu đồng/m2, tăng mạnh từ mức 13 – 22 triệu đồng/m2 theo cách tính cũ.

Ngay cả các tuyến đường nằm trong “khu nhà giàu” phường Thảo Điền trước đây cũng chỉ có giá đất khoảng 7,8 triệu đồng/m2. Hiện mức giá tính theo bảng giá đất đã tăng lên thành 88 - 120 triệu đồng/m2.

Hà Nội áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất mới 

Từ ngày 29/7/2024, Hà Nội sẽ áp dụng quy định mới tại Quyết định số 45/2024/QĐ-UBND về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản là 1,0.

Hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp (trong đó bao gồm cả đất vườn, ao liền kề đất ở) làm cơ sở xác định chênh lệch giữa giá thu tiền sử dụng đất theo mục đích mới và giá thu tiền sử dụng đất nông nghiệp: K = 1,0.

Hệ số điều chỉnh giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ tại nhóm quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng lần lượt là 1,40 và 1,70; tại nhóm quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ là 1,35 và 1,60; tại nhóm quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm là 1,28 và 1,50…

Bên cạnh đó, hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.

Theo đó, hệ số tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng là 2,00. Các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ là 1,75. Các quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm là 1,70...

Trường hợp tại một số vị trí đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong cùng một khu vực, tuyến đường có đặc điểm sinh lợi, hệ số sử dụng đất (mật độ xây dựng, chiều cao của công trình…) khác với mức bình quân chung của khu vực, tuyến đường, TP. Hà Nội giao UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm rà soát, báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp, xây dựng, tham mưu điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất đã ban hành theo quy định.

Hà Nội tìm chủ đầu tư cho hai khu đô thị tại huyện Thanh Trì

Theo thông báo tìm nhà đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, khu đô thị mới C3-1 có quy mô hơn 27 ha nằm tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Hiện trạng khu đất chủ yếu là đất nông nghiệp trồng lúa màu, kênh mương tưới tiêu và một phần đất ở (không gồm phần diện tích đường theo quy hoạch và trường học hiện hữu).

Dự án dự kiến cung cấp 580 căn thấp tầng (biệt thự, liền kề) cao 4 - 5 tầng, hai tháp căn hộ 17 tầng và một tòa nhà ở xã hội 8 tầng với hơn 520 căn. Quy mô dân số gần 6.800 người. Tổng vốn đầu tư dự án này gần 4.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội cũng đang tìm nhà đầu tư cho khu đô thị mới Liên Ninh tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, với quy mô hơn 30 ha. 

Khu đất thực hiện dự án có nguồn gốc đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ, đất mương nội đồng và nghĩa trang do UBND xã Liên Ninh, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp quản lý.

Dự án được kỳ vọng sẽ cung cấp cho thị trường hơn 270 căn biệt thự, liền kề, cao 4 - 5 tầng và một tòa nhà ở xã hội 30 tầng với hơn 800 căn. Quy mô dân số khoảng 4.500 người. Tổng vốn đầu tư dự án gần 3.200 tỷ đồng.

Hai dự án có thời gian hoạt động là 50 năm, tiến độ triển khai từ nay đến năm 2028 - 2029. Sau khi hoàn thành, hai dự án sẽ hình thành khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân trên địa bàn, tạo nguồn thu ngân sách từ đấu thầu quyền sử dụng đất.

Long An tìm nhà đầu tư cho hai dự án nhà ở xã hội tại huyện Đức Hòa

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đang mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội rộng 9,53 ha tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp ra thị trường 2.895 căn hộ. Dự kiến đây sẽ là nơi an cư của khoảng 7.283 người. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 3.708 tỷ đồng.

Cũng tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đang tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện khu nhà ở xã hội có diện tích khoảng 9,62 ha với số lượng 2.991 căn hộ. Quy mô dân số tại đây là 7.505 người. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 3.935 tỷ đồng.

Cả 2 dự án nêu trên đều có thời hạn hoạt động 50 năm, tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ thực hiện dự án là 4 năm, kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư.

Vincom Retail vẫn giữ đà lãi ròng nghìn tỷ trong quý II/2024

CTCP Vincom Retail (VRE) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu hợp nhất đạt 2.478 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hoạt động cho thuê bất động sảnđầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan vẫn là “con gà đẻ trứng vàng”, khi mang về gần 1.940 tỷ đồng, không chênh lệch nhiều so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động chuyển nhượng bất động sản lại mang về khoản thu lớn gấp đôi, lên tới 466 tỷ đồng.

Vincom Retail đã khai trương 4 trung tâm thương mại trong tháng 6/2024. Ảnh: VRE


Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong quý II/2024 cũng tăng tới 51%, chạm mức 420 tỷ đồng. Đa phần nguồn thu đến từ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay và các khoản đặt cọc.

Sau cùng, Vincom Retail có lãi ròng đạt 1.021 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Thành tích trên đã đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp công ty có lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần lên tới 4.733 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.104 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%. Với kết quả trên, hiện công ty đã hoàn thành được 49% mục tiêu doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính tới ngày 30/6/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt gần 52.328 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cuối năm ngoài. Trong đó, khoản nợ phải trả của công ty tăng 25%, lên thành 12.397 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 39.930 tỷ đồng, tăng khoảng 5%.

Lượng hàng tồn kho của công ty đã giảm mạnh, từ 639 tỷ đồng vào cuối năm ngoái xuống còn 228 tỷ đồng vào cuối quý II/2024. Đây hầu hết là chi phí xây dựng và phát triển các hạng mục nhà phố thương mại để bán.

Riêng trong tháng 6/2024, Vincom Retail đã khai trương thêm 4 trung tâm thương mại, gồm 3 dự án mới là Vincom Mega Mall Grand Park tại TP.HCM (khai trương kỹ thuật), Vincom Plaza Điện Biên Phủ và Vincom Plaza Hà Giang. Đồng thời, doanh nghiệp cũng khai trương trở lại Vincom Plaza 3/2 tại TP.HCM sau thời gian cải tạo.

Theo Vincom Retail, các trung tâm thương mại này đều có tỷ lệ lấp đầy 85 - 92% tại thời điểm khai trương. Hiện doanh nghiệp có tổng cộng 86 trung tâm thương tại 46/63 tỉnh thành trên cả nước, với hơn 1,81 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ (GFA) trên toàn hệ thống.

Ngoài các dự án kể trên, báo cáo tài chính mới đây cũng cho biết, Vincom Retail đang đầu tư xây dựng loạt dự án mới như khách sạn Bắc Ninh, Vincom Plaza Điện Biên, Vincom Plaza Biên Hòa 2, Vincom Plaza Đông Hà Quảng Trị. Trong đó, dự án khách sạn Bắc Ninh đang tiêu tốn nhiều chi phí nhất với 281 tỷ đồng, tính tới thời điểm ngày 30/6/20204.

Khu công nghiệp Tín Nghĩa có lãi ròng tăng gấp 5 lần trong quý II/2024

Báo cáo tài chính quý II/2024 của CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) đã thể hiện một bức tranh đầy tích cực về “sức khỏe” doanh nghiệp. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 40,7 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng này đến từ khoản thu cung cấp dịch vụ tại Khu công nghiệp Tam Phước (Đồng Nai). Đây là hệ quả của việc các doanh nghiệp gỗ - những vị khách hàng của TIP - có đơn hàng trở lại và hoạt động ổn định hơn.

Ngoài ra, doanh thu tài chính của công ty cũng tăng vọt lên 67 tỷ đồng trong quý II/2024, từ mức 5 tỷ đồng của năm trước. Nguồn thu này đến từ việc hợp tác với CTCP Dầu khí Đầu tư khai thác Cảng Phước An.

Bên cạnh đó, nhờ việc TIP giảm tỷ lệ sở hữu Công ty Cà phê Olympic nên doanh nghiệp đã hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính vào đơn vị này. Qua đó, chi phí tài chính của công ty trong quý II/2024 đã giảm 15 lần, xuống còn 105 triệu đồng.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập của TIP đạt 68 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Xét trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty khoảng 79 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 96 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với năm trước.

Đối chiếu với kế hoạch kinh doanh cả năm, hiện công ty đã thực hiện được 48% mục tiêu doanh thu và 57% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của TIP là 2.072 tỷ đồng, tăng 4,7% so với giai đoạn đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 1.806 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%.

Khoản nợ phải trả tăng tới 12%, lên thành 265 tỷ đồng. Phần tăng mạnh nhất đến từ doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn, tăng từ mức 5,6 tỷ đồng hồi đầu năm lên thành 32,5 tỷ đồng. Phần lớn số tiền trên đến đến từ khoản cho thuê đất, phí sử dụng hạ tầng. 

Ngoài ra, báo cáo cũng tiết lộ, tính tới ngày 30/6/2024, công ty đang có khoản tiền gửi ngân hàng lên tới 78,4 tỷ đồng. Lượng tiền gửi này có kỳ hạn 6 tháng và lãi suất dao động từ 2,9 - 4,8%/năm.

Ngoài hạng mục tài chính trên, công ty còn đầu tư góp vốn vào hai công ty liên kết là CTCP Dịch vụ bảo vệ Tín Nghĩa và Công ty Phước Tân (lĩnh vực bất động sản). Ngoài ra, TIP còn “rót vốn” cho hai đơn vị khác là CTCP Khu công nghiệp Long Khánh và CTCP Cà phê Olympic. Tổng số tiền đầu tư cho cả 4 doanh nghiệp là 419 tỷ đồng.

Lượng hàng tồn kho của công ty tính tới cuối quý II/2024 là 146 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dự án khu dân cư Thạnh Phú (Đồng Nai) là hạng mục tốn kém nhất, với số tiền liên tới 59 tỷ đồng. Đây là dự án do công ty con - CTCP Tín Khải làm chủ đầu tư.

Định hướng công ty trong năm 2024, ban lãnh TIP cho biết sẽ tập trung khai thác các dịch vụ tiện ích tại khu công nghiệp Tam Phước. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ khảo sát, xem xét đầu tư vốn vào các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong tỉnh và vùng Đông Nam Bộ còn quỹ đất và có hướng phát triển tốt…

Nam Long đạt doanh thu 456 tỷ đồng nhờ Dự án Southgate và Izumi

Trong quý II/2024, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) đạt 252 tỷ đồng, giảm 3,7 lần so với với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy nhiên, doanh thu tài chính của Nam Long đã tăng mạnh từ 40 tỷ đồng trong quý II/2023 lên thành 249 tỷ đồng trong quý vừa qua. Trong đó, doanh thu phần lớn đến từ việc NLG hoàn tất chuyển nhượng 25% tỷ lệ sở hữu trong Công ty Paragon Đại Phước. Khoản lãi từ giao dịch này có giá trị lên tới 230 tỷ đồng. 

Sau cùng, lợi nhuận sau thuế của công ty rơi vào khoảng 159 tỷ đồng, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty là 456 tỷ đồng, giảm 160% so với năm trước. Trong đó, nguồn thu bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự chiếm tới 81% cơ cấu doanh thu, đạt 371 tỷ đồng. Số tiền trên phần lớn đến từ hoạt động bán hàng từ các dự án trọng điểm là Southgate (Long An) và Izumi (Đồng Nai).

Lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm cũng chỉ rơi khoảng 94,8 tỷ đồng, giảm 2,6 lần so với cùng kỳ. 

Trước đó, NLG đặt mục tiêu doanh thu thuần cả năm đạt 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 821 tỷ đồng. Như vậy, công ty vẫn còn cách rất xa chỉ tiêu kinh doanh đã đặt ra.

Tính đến ngày 30/6/2024, lượng hàng tồn kho của NLG khoảng 19.231 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với hồi cuối năm ngoái. Trong đó, các dự án có giá trị lớn nhất trong hạng mục này là Izumi (8.655 tỷ đồng), Waterpoint giai đoạn 1 (Long An) (3.837 tỷ đồng), Hoàng Nam Akari (TP.HCM) (2.425 tỷ đồng)...

Báo cáo tài chính cũng cho biết, tính đến cuối quý II/2024, Nam Long đã chi khoảng 23.217 tỷ đồng để xây dựng cao ốc văn phòng. Ngoài ra, doanh nghiệp đã tiêu tốn 13.463 tỷ đồng để xây chợ An Thạnh.

Trong đầu tư tài chính, công ty đã “rót” khoảng 1.529 tỷ đồng vào các công ty liên kết, liên doanh như Paragon Đại Phước, NNH Mizuki, Anabuki NL. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang đầu tư góp vốn vào một đơn vị khác Công ty Đầu tư Tài chính Hồng Phát với số tiền là 2,4 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Nam Long hiện khoảng 29.731 tỷ đồng, tăng 3% so với hồi cuối năm ngoái. Nợ phải trả tăng khoảng 9%, chạm mức 16.425 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 13.305 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với giai đoạn cuối năm 2023.

Trong cuộc họp đại hội cổ đông trước đó, ban lãnh đạo Nam Long cho biết, doanh thu trong năm 2024 sẽ chủ yếu đến từ dự án Akari giai đoạn 2 và Southgate. Một số dự án khác bị vướng mắc pháp lý cũng đã tìm được hướng giải quyết.

Ví dụ như dự án Izumi, sau nhiều nỗ lực xử lý, khu đô thị này dự kiến sẽ được duyệt quy hoạch 1/500 trong tháng 12/2024 - quý I/2025. Còn với dự án Paragon, khu đô thị này đã được gia hạn đến năm 2027. NLG sẽ sớm trình duyệt quy hoạch mới cho công trình trên.

Trong giai đoạn 2024 - 2026, công ty ước tính có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm. Hiện doanh nghiệp đang có lượng quỹ đất khoảng 681 ha, đủ để phát triển dự án đến năm 2030.

Theo lộ trình đến 2030, Nam Long sẽ phải hoàn tất 14 chiến lược. Riêng trong năm 2024, công ty tập trung vào 3 chiến lược quan trọng, gồm đầu tư và quản lý đầu tư, tài chính tổng thể (bao gồm huy động vốn); M&A và tăng trưởng.

Xem thêm tại baodautu.vn