Gia hạn Thông tư 02: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi

Ngân hàng và doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn

Thực tế cho thấy, việc các TCTD áp dụng Thông tư 02 đã giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thông tin, theo thống kê, tổng lũy kế đến 31/12/2023 đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng.

Gia hạn Thông tư 02: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi- Ảnh 1.

Chuyên gia khuyến nghị việc gia hạn Thông tư 02 phải dựa trên đánh giá,phân tích về khả năng phục hồi nền kinh tế

Chia sẻ cụ thể hơn kết quả từ ngân hàng, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, đến cuối tháng 1/2024, Techcombank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần.

Tại LPBank, ông Hồ Nam Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng thông tin, lũy kế tính đến hiện tại, LPBank đã thực hiện triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 192 lượt khách hàng, với tổng dư nợ gốc của khách hàng là hơn 7.237 tỷ đồng, với số lãi cơ cấu là 327 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc trả những khoản nợ vào 30/6/2024 (khi Thông tư 02 hết hiệu lực) rất khó khăn đối với nhiều khách hàng. Do đó, ngân hàng mong muốn được NHNN gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo Thông tư 02.

Chung quan điểm, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV cũng cho rằng, Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp; trong khi đó, việc xử lý nợ xấu các doanh nghiệp của TCTD cũng gặp khó khăn. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư tới hết năm 2024.

Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng đề nghị NHNN cho phép TCTD được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đối với dư nợ gốc phát sinh trong năm 2023, đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu đến ngày 31/12/2024 thay vì ngày 30/6/2024 như hiện nay. Trên cơ sở đó, ông Vượng đề nghị phân bổ trích lập dự phòng bổ sung trong 3 năm, tối đa đến ngày 31/12/2025 trích đủ 100%. Ngoài ra, đối với các khoản nợ được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, cho phép TCTD không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh nhóm nợ theo CIC ngay trong kỳ phân loại nợ (không phải chờ đến kỳ điều chỉnh nhóm nợ theo CIC tiếp theo).

Chính sách cần bám sát thực tiễn

Việc kéo dài Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong thời điểm hiện nay được giới chuyên môn đánh giá là cần thiết. Cụ thể, người đi vay sẽ có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Còn về phía ngân hàng, áp lực nợ xấu lên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giảm bớt phần nào.

Theo bộ phận phân tích của FIDT, việc kéo dài Thông tư 02 giúp các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hiệu quả hơn, không ảnh hưởng đột biến đến kết quả kinh doanh do dư địa tài chính để các NHTM xử lý nợ xấu hiện tại còn không nhiều. Bởi ngân hàng phải tăng cường và tập trung nguồn lực xử lý cho các khoản nợ xấu còn tồn đọng nhằm ổn định chất lượng tài sản. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng, việc kéo dài Thông tư 02 không nên quá 1 năm, tránh tình trạng nợ xấu tiềm tàng tiếp tục khó kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trong tương lai trở nên nghiêm trọng hơn.

Khẳng định cần thiết gia hạn Thông tư 02 do thị trường hiện còn khó khăn, kinh tế trong và ngoài nước vẫn chưa phục hồi mạnh, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ, song ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng đề nghị, cần phải cân nhắc rất kỹ thời gian kéo dài Thông tư 02, không thể kéo dài một cách cảm tính mà phải dựa trên phân tích đầy đủ, dự báo về khả năng phục hồi của nền kinh tế, người dân. Về phía các ngân hàng cần có khảo sát cụ thể, bởi lẽ chính ngân hàng mới hiểu “sức khoẻ” khách hàng của mình.

Tương tự TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc kéo dài quy định giãn, hoãn nợ cần đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Nhưng với các doanh nghiệp yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ, mà mạnh dạn chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm. Theo ông Hùng, việc nới lỏng chính sách cần phải cân nhắc thật kỹ, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi hàng triệu người dân đang gửi tiền tại các TCTD.

Đồng tình với ý kiến này, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất phải cân nhắc thời gian kéo dài Thông tư 02 và có cần thiết áp dụng với tất cả các đối tượng hay không. Về thời gian, vị chuyên gia này đồng tình phải kéo dài khoảng 1 năm để các doanh nghiệp phục hồi, từ đó có dòng tiền trả nợ. Đối với đối tượng được gia hạn, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, ngân hàng đánh giá nhóm khách hàng nào có khả năng vực dậy thì nên áp dụng. Còn với đối tượng khách hàng quá yếu kém thì nên xử lý ngay vì việc kéo dài 6 tháng hay 1 năm cũng không có nhiều ý nghĩa.

Trước đề xuất kiến nghị trên, ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2024, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 02. Tuy nhiên, trước những khó khăn nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhất trí với việc cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư 02. Nhưng thời gian gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ. “Tinh thần là sẽ giãn hiệu lực Thông tư này, nhưng phải xem xét xem những vấn đề nội hàm của Thông tư có phải thay đổi không hay chỉ thay đổi về mặt thời gian. Cái này phải làm sao hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế doanh nghiệp, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng nợ của các NHTM không để nợ xấu phát sinh, dẫn đến hậu quả sau này”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Xem thêm tại cafef.vn