Giá hàng hóa tụt dốc: Tin tốt cho các NHTW, nhưng là tín hiệu chẳng lành về nền kinh tế

Giá hàng hóa đang trên đà giảm, báo hiệu sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại hỗ trợ các NHTW trong cuộc chiến chống lạm phát.

Giá hàng hóa tụt dốc: Tin tốt cho các NHTW, nhưng là tín hiệu chẳng lành về nền kinh tế

Giá hàng hóa đang trên đà giảm, báo hiệu sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại hỗ trợ các NHTW trong cuộc chiến chống lạm phát.

Chỉ số hàng hóa của S&P GSCI đã giảm khoảng 11% từ đầu năm 2023, trong đó giá năng lượng, kim loại, ngũ cốc và các nguyên vật liệu thô khác đều lao dốc. Giá dầu thô đang dao động gần mức thấp nhất kể từ khi Nga khởi động cuộc chiến ở Ukraine, ngay cả khi Ả-rập Xê-út công khai giảm sản lượng để thúc đẩy giá trong tuần trước.

Giá lúa mì chưa bao giờ rẻ như thế kể từ năm 2020 và khí thiên nhiên giảm mạnh ở châu Âu. Gần như tất cả hàng hóa - ngoại trừ những hàng hóa bị ảnh hưởng bởi khí hậu như đường, ca cao và cà phê - đều giảm mạnh. Các nguyên liệu ngách như gương cũng sụt mạnh, còn kim loại đồng - vốn được xem là hàn thử biểu của kinh tế toàn cầu vì có tính ứng dụng trong mọi thứ từ xây dựng cho tới lắp ráp xe hơi - giảm 1.3% từ đầu năm.

Tổng hợp giá hàng hóa tính tới ngày 12/06

Nguyên nhân chủ yếu do sự đình trệ của hoạt động sản xuất, nhất là ở Trung Quốc - quốc gia đứng đầu về tiêu thụ kim loại và đứng thứ hai về sử dụng dầu.

Trước đó, nhiều trader kỳ vọng giá hàng hóa sẽ hồi phục nhờ kinh tế Trung Quốc tái mở cửa. Tuy nhiên, thực tế lại rất khác. Điều này một phần vì đà hồi phục của Trung Quốc được dẫn dắt bởi dịch vụ, thay vì hoạt động sản xuất thâm dụng nguồn lực hoặc xây dựng (vốn là động lực cho đà tăng trưởng trước đó).

"Hoạt động công nghiệp đang quá yếu" - Caroline Bain, chuyên gia về hàng hóa tại Capital Economics, cho biết. Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đồng bán tinh chế (semirefined copper) của Trung Quốc giảm 13% so với cùng kỳ, bà nói thêm.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Mỹ và châu Âu, ngay cả khi nền kinh tế khu vực này vẫn tăng trưởng chủ yếu từ dịch vụ. Một số chuyên gia kinh tế cho biết sự gia tăng của phương thức làm việc kết hợp đã khiến các nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu hơn.

Đà giảm của hàng hóa đánh dấu sự quay ngoắt với 1 năm về trước, khi cuộc chiến Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng và ngũ cốc tăng vọt. Điều này thúc lạm phát tăng mạnh ở phương Tây, thôi thúc Fed cùng các NHTW khác nâng lãi suất quyết liệt và dẫn tới tình trạng thiếu thực phẩm và năng lượng ở châu Phi và châu Á.

Nhiều đợt bán tháo đã kéo giá hàng hóa trở về mức bình thường hơn, thay vì giảm xuống mức quá thấp vì tình trạng dư cung nghiêm trọng hoặc có cú sốc về kinh tế. Chẳng hạn, giá dầu Brent về gần mốc 78 USD/thùng, gần mức đỉnh trong giai đoạn 2015 - đầu 2022.

Tuy nhiên, đà giảm cũng báo hiệu sự chững lại của tăng trưởng, nếu không muốn nói suy thoái.

"Trong một đợt suy thoái, nhu cầu hàng hóa thường giảm" - Arlan Suderman, chuyên gia phụ trách mảng hàng hóa tại công ty môi giới StoneX Group, cho biết - "Dữ liệu đã cho thấy nhu cầu hàng hóa đang trên đà giảm".

Điểm tích cực cho người tiêu dùng và thị trường tài chính là giá năng lượng rẻ hơn bắt đầu kéo giảm lạm phát. Điều này sẽ hỗ trợ cho Fed và các NHTW khác trong quá trình chống lạm phát và dần dần chuyển sang giai đoạn hạ lãi suất. Tại thời điểm này, các động lực khác của lạm phát vẫn đủ mạnh để nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm đợt nâng lãi suất.

Lãi suất cao hơn có thể kìm hãm nhu cầu hàng hóa, thậm chí còn mạnh hơn, Darwei Kung, chuyên gia phụ trách đầu tư hàng hóa tại DWS Group, cho hay. Đây cũng là lý do chính khiến ông đặt cược vào đà giảm của giá năng lượng và kim loại công nghiệp. Những bên chịu thiệt vì đà giảm của giá hàng hóa chính là các công ty bán hàng hóa như Exxon Mobil và Chevron. Năng lượng là lĩnh vực có thành tích tệ nhất trong S&P 500 trong năm nay, sau thành tích ấn tượng năm 2022.

Một số quốc gia phụ thuộc vào doanh thu dầu khí như Nga và các nhà sản xuất dầu ở vùng Vịnh sẽ gặp khó khăn. Trong ngày 04/06, Ả-rập Xê-út cho biết sẽ giảm thêm 1 triệu thùng/ngày để thúc đẩy giá dầu, sau cuộc họp căng thẳng với các thành viên của liên minh OPEC+.

Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ giá bán buôn thấp hơn. Ở Mỹ, giá dầu thô giảm mạnh đã giúp giá bán ở các trạm bơm xăng giảm nhanh chóng. Giá xăng trung bình ở các trạm bơm ở mức 3.55 USD/gallon, thấp hơn nhiều so với mức 4.82 USD/gallon cách đây 1 năm.

Ở châu Âu, hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn chưa cảm thấy giá khí và năng lượng giảm quá nhanh, một phần là do các chính sách của Chính phủ. Và giá lương thực vẫn tăng phi mã, dù lúa mì bán buôn giảm 22% trong năm nay, được hỗ trợ bởi các vụ mùa bội thu ở Nga và Úc, cộng xuất khẩu từ Ukraine theo thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.

Nhiều nhà sản xuất thực phẩm đã chốt giá gần mức đỉnh thị trường vì sợ mất khả năng tiếp cận nguyên liệu. Dave Whitcomb, nhà sáng lập Peak Trading Research, cho biết: “Đó là một chuỗi cung ứng dài cho rất nhiều siêu thị này".

Một số chuyên viên phân tích dự báo giá hàng hóa sẽ chững lại thay vì giảm sâu hơn. Họ kỳ vọng việc cắt giảm của OPEC+ sẽ làm cạn kiệt nguồn cung dầu trong nửa cuối năm nay. Kim loại có thể nhận được thúc đẩy từ sự gia tăng chi tiêu cho lưới điện ở Trung Quốc và từ nhu cầu về vật liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong dài hạn.

Hiện tại, nhiều người cho rằng lãi suất cao và tình trạng đình trệ của sản xuất công nghiệp có thể gây thêm áp lực. Nitesh Shah, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại nhà cung cấp quỹ ETF WisdomTree, cho biết: “Các ngân hàng trung ương ở các quốc gia phát triển vẫn đang trong chế độ 'đạp phanh gấp'".

El Nino châm ngòi cho đà tăng của một số hàng hóa?

Trong khi đó, một hiện tượng mới xuất hiện gần đây có thể làm rung chuyển thị trường hàng hóa.

Ngày 08/06, các nhà khoa học ở Trung tâm dự báo khí hậu thuộc Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xác nhận El Nino đã bắt đầu và sẽ mạnh dần trong năm sau, có thể biến 2024 thành năm nóng nhất trong lịch sử.

Hiện tượng này có thể châm ngòi cho đà tăng vọt của giá hàng hóa vì có thể gây ra thời tiết khắc nghiệt hơn ở một số khu vực. Trước đây, hiện tượng này dẫn tới hạn hán ở châu Á và mưa lớn ở Nam Mỹ.

Theo một nghiên cứu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong năm 2015, trong quá khứ, các hàng hóa (trừ nhiên liệu) tăng 5.3% trong 4 quý đầu tiên kể từ khi El Nino bắt đầu, còn giá dầu thô tăng 13.9%. Chi phí nhiên liệu có thể tăng vì thủy điện thường giảm trong mùa hạn hán và khiến các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch.

Trong giai đoạn này, có một số hàng hóa đáng được nhà đầu tư theo dõi sát, như đường, cà phê, gạo.

Gần đây, hiện tượng El Nino đã góp phần gây ra nắng nóng gay gắt ở Đông Nam Á. Hiện tượng này thường dẫn đến điều kiện nóng hơn, khô hơn ở nhiều vùng của châu Á và là rủi ro đối với sản lượng các loại cây trồng bao gồm gạo, dầu cọ, ca cao, đường và cà phê. Nguy cơ mất mùa cũng có thể đẩy giá các loại hàng hóa này tăng vọt.

Thiên Vân

FILI