Giá hạt nhựa PVC phá đáy 3 năm, cổ phiếu ngành nhựa đồng loạt bứt tốc
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch đầu tuần diễn biến đầy thận trọng khi lình xình quanh mốc tham chiếu. Sau khi vượt ngưỡng cản 1.100 điểm, dường như tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng. Trong bối cảnh thị trường chung tỏ ra yếu thế trước áp lực bán, một nhóm cổ phiếu không phải quá hot trên thị trường lại có sự bứt tốc khá ngoạn mục - cổ phiếu ngành nhựa.
Điển hình, BMP của Nhựa Bình Minh tăng 2,15%; NTP của Nhựa Tiền Phong tăng hơn 3,6%; RDP của Nhựa Rạng Đông với mức tăng 3,17%,… Đáng chú ý, DAG của Nhựa Đông Á và NHH của Nhựa Hà Nội còn bật tăng kịch trần, thậm chí “trắng bên bán”.
Xét rộng hơn từ vùng đáy hồi tháng 11/2022, hầu hết các mã đều có mức tăng trưởng ấn tượng, NTP tăng 27%; NHH tăng gần 50%; DAG tăng 73%,… Cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh còn tăng dựng đứng lên mức đỉnh lịch sử trong phiên hôm nay, hiện đang giao dịch quanh mức 90.000 đồng/cp, tương ứng tăng 56% trong vòng 2 tháng.
Đà tăng bốc của cổ phiếu ngành nhựa diễn ra trong bối cảnh sự sụt giảm của giá dầu khiến giá nguyên liệu đầu vào (PVC, PE) giảm, qua đó kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành nhựa được cải thiện.
Thực tế, giá hạt nhựa PE thế giới đã có dấu hiệu đảo chiều giảm từ đầu tháng 4 đến nay, hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Bên cạnh đó, giá hạt nhựa PVC thậm chí còn rơi xuống đáy 3 năm (tháng 4/2020) sau quãng hồi phục ngắn trong giai đoạn cuối năm ngoái đến hết tháng 1/2023. Nếu so với đỉnh hồi tháng 11/2021, giá hạt nhựa PVC thế giới đã giảm tới 60%.
Thông thường, chi phí hạt nhựa chiếm khoảng 90% chi phí nguyên liệu và chiếm trên 75% tổng chi phí sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nhựa. Do vậy, giá hạt nhựa giảm giúp các doanh nghiệp trong ngành giảm mạnh chi phí đầu vào, cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Về tình hình kinh doanh, các doanh nghiệp nhựa ghi nhận nhiều kết quả trái chiều trong quý đầu năm nay. Đáng chú ý, "ông lớn" Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước và lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi trong một quý cao nhất mà doanh nghiệp này từng đạt được, phá kỷ lục cũ vừa ghi nhận vào quý liền trước. Như vậy, chỉ sau quý 1 công ty đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 43% kế hoạch lợi nhuận.
Ngược lại, lợi nhuận sau thuế quý 1 của Nhựa Tiền Phong giảm 21% xuống 118 tỷ đồng dù doanh thu vẫn tăng 20% so với cùng kỳ lên gần 1.300 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các chi phí phát sinh trong kỳ tăng cao, đặc biệt là chi phí bán hàng. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 25% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
NTP dự đoán ngành nhựa năm 2023 còn nhiều khó khăn do thị trường bất động sản chưa thể phục hồi ngay. Do đó, công ty lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 5.875 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm 5% so với cùng kỳ xuống mức 535 tỷ đồng.
Hay tại Nhựa Đông Á, doanh thu thuần quý 1/2023 đạt gần 559 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, DAG chỉ ghi nhận lãi ròng 69 triệu đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm tại cafef.vn