Giá tăng 179% trong 5 năm qua, cổ đông lớn chốt lời cổ phiếu PC1

CTCP BEHS báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến người nội bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (mã PC1-HOSE).

Theo đó, CTCP BEHS vừa công bố bán thành công toàn bộ hơn 53,9 triệu cổ phiếu, chiếm 17,32% vốn tại PC1 trong khoảng thời gian từ ngày 22-24/1.

Trước đó, các công ty liên quan như CTCP BEH và BES cũng đã bán toàn bộ 11 triệu cổ phiếu, chiếm 3,53% và 8,6 triệu cổ phiếu, chiếm 2,76% vốn tại PC1, trong các ngày 22 và 23/1.

Như vậy tổng cộng nhóm nhà đầu tư này đã thoái vốn bán ra tổng cộng 73,4 triệu cổ phiếu PC1, chiếm 23,6% tổng vốn của công ty. Toàn bộ giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Theo dữ liệu giao dịch trên HOSE cho thấy, tổng giá trị chuyển nhượng 73,4 triệu cổ phiếu PC1 lên đến 1.870 tỷ đồng, tương đương với mức giá thỏa thuận bình quân khoảng 25.500 đồng/cp - trong khi đó, hiện giá cổ phiếu này tăng lên gần mốc 29.000 đồng/cổ phiếu và tăng hơn 179% trong 5 năm qua.

BEHS trở thành cổ đông lớn của PC1 từ ngày 11/5/2020 sau khi mua hơn 26 triệu cổ phiếu, chiếm 16,38% vốn tại PC1. Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu này chỉ khoảng 9.000 đồng/cp và tăng lên 12.000 đồng/cp vào cuối tháng 10/2020.  Nếu tính theo giá bình quân, BEHS có khả năng đã lãi tới 335% trong vụ thoái vốn này.

Giá tăng 179% trong 5 năm qua, cổ đông lớn chốt lời cổ phiếu PC1  - Ảnh 1

Trước đó, vào ngày 8/11/2023, HĐQT PC1 đã có nghị quyết chuyển nhượng 39% cổ phần tại CTCP Thủy điện Sông Gâm, tức giảm tỷ lệ sở hữu của PC1 tại công ty này xuống 60%. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 4/2023. PC1 kỳ vọng lãi không đáng kể từ việc chuyển nhượng này.

Được biết, CTCP Thủy điện Sông Gâm sở hữu dự án thủy điện Bảo Lạc A (30 MW) và Thượng Hà (20 MW) mà PC1 dự kiến phát triển vào đầu năm 2024 và VCSC hiện dự báo Bảo Lạc A và Thượng Hà sẽ lần lượt vận hành thương mại vào năm 2025 và 2026. Theo VCSC việc chuyển nhượng 39% cổ phần của CTCP Thủy điện Sông Gâm ảnh hưởng không đáng kể đối với dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 của VCSC (giảm 0.4% theo ước tính của VCSC).

Qua đó, VCSC nâng giá mục tiêu thêm 15% và điều chỉnh khuyến nghị từ "phù hợp thị trường" lên "khả quan" cho CTCP Tập đoàn PC1 (PC1). VCSC giá mục tiêu là do VCSC nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 thêm 6% và tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá của VCSC sang cuối năm 2024. VCSC dự phóng tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 cao hơn chủ yếu do (1) VCSC dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 từ mảng niken cao hơn 39% do KQKD mảng niken trong 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn dự kiến và giả định giá bán niken trung bình tăng 6% trong giai đoạn 2024-2027 và (2) VCSC điều chỉnh giảm dự phóng tổng chi phí bán hàng & quản lý (SG&A) giai đoạn 2023-2027 do kết quả chi phí SG&A thấp hơn dự kiến trong 9 tháng đầu năm.

VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo năm 2023 sẽ giảm 25% YoY mặc dù lợi nhuận gộp tăng 13% YoY (nhờ đóng góp từ KCN Nomura và mảng niken bù đắp cho mức giảm 48% YoY/18% YoY trong lợi nhuận gộp từ mảng xây lắp điện và mảng sản xuất điện). VCSC dự báo chi phí SG&A, chi phí tài chính và lợi ích CĐTS cao hơn so với cùng kỳ sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2023.

VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo năm 2024 sẽ tăng gần gấp đôi so với mức cơ sở thấp của năm 2023, nhờ dự báo doanh thu mảng xây lắp điện tăng gấp đôi, đóng góp lợi nhuận 107 tỷ đồng từ KCN của Western Pacific, nhà máy niken vận hành cả năm và không ghi nhận lỗ tỷ giá.

Theo quan điểm của VCSC, PC1 có định giá hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2024 là 12,5 lần, tương ứng PEG 5 năm là 0,2 (dựa trên dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS giai đoạn 2023-2027 là 51%). Theo VCSC rủi ro đối với PC1 là lỗ tỷ giá cao hơn dự kiến trong giai đoạn 2023-2024 và yếu tố hỗ trợ đối với PC1 là lợi nhuận từ mảng khai thác niken và phát điện cao hơn dự kiến.

Xem thêm tại vneconomy.vn