Gia tăng giá trị hạt gạo từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Giảm 30% chi phí đầu vào, giảm 9.500 tỷ đồng chi phí sản xuất

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích tự nhiên 4.092.000 ha, trong đó có 2.575.000 ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại ĐBSCL những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 đã đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so với năm 2022. 4 tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cũng kỳ năm 2023. Nhờ đó 4 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đã đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo trên 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Góp phần giảm trên 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xem là sự thay đổi với ngành lúa gạo khi đề ra mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo. Qua đó, đề án giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ thuần túy là nâng cao hạ tầng cơ sở cho sản xuất. Đề án còn tổ chức lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL, với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, giá trị hạt gạo tăng lên, phát thải thấp đi và phát triển bền vững khu vực nông thôn. Một trong những điểm quan trọng của Đề án là hình thành những hợp tác xã, những tổ chức nông dân, sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp. Từ đó có thể tiêu thụ được lúa gạo với mức độ cao hơn về mặt giá trị, ổn định lâu dài và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Do đó, sự tham gia và phối hợp của các doanh nghiệp là rất cần thiết.

Ngay sau khi phát động, nhiều doanh nghiệp đã cam kết đồng hành cùng Đề án. Theo Tập đoàn PAN, thông qua các đơn vị thành viên ở mảng nông nghiệp bao gồm Vinaseed, VFC, Vinarice, VinaAgrifood, Tập đoàn hiện có những đóng góp quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Với quan điểm phát triển nền nông nghiệp bền vững gắn với tăng trưởng xanh, Tập đoàn đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hướng tới mục tiêu giảm phát thải cùng lúc với nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo đó, trong nhiều năm qua, các đơn vị thành viên của Tập đoàn tích cực tham gia vào các dự án của Ngân hàng Thế giới (Worldbank), Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV)… nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững nông nghiệp tại Tây Nguyên và ĐBSCL.

Đề án hỗ trợ bà con nông dân từ đầu vào gồm nguồn giống chất lượng, quy trình canh tác tiêu chuẩn, đến các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát dịch hại, sau đó gắn liền với việc bao tiêu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản cuối cùng. Tất cả nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao thu nhập nông dân trên địa bàn, kế hoạch đến 2025, tầm nhìn 2030.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn