Giá tăng và thanh khoản bùng nổ, tiền ồ ạt đổ về cổ phiếu VND
Kết thúc phiên giao dịch 16/1, VN-Index tăng hơn 7 điểm, thanh khoản có phần cải thiện hơn so với phiên trước đó. Đà tăng của thị trường được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng như một số cổ phiếu trong nhóm VN30.
Tại nhóm chứng khoán, cổ phiếu VND của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT là mã ghi nhận diễn biến sôi động nhất khi đóng cửa trong sắc tím với mức thanh khoản vượt trung bình 50 phiên. Chỉ sau 20 phút giao dịch, dòng tiền đã ồ ạt đổ về, đẩy mã này tăng kịch biên độ.
Trong phiên, có hơn 19 triệu đơn vị được khớp lệnh, kể cả khi cổ phiếu VND chuyển tím từ rất sớm. Với phiên tăng trần của cổ phiếu VND, vốn hóa VNDIRECT đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng, lên gần 18.650 tỷ đồng.
Nhịp tăng mạnh của cổ phiếu VND diễn ra ngay sau khi Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - công ty thành viên của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) thông báo mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 200 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này được phát hành vào năm 2021 - thời điểm nhà máy điện gió đi vào hoạt động, với kỳ hạn từ 5 tới trên 10 năm.
Cần biết, VNDIRECT chính là đơn vị tư vấn hồ sơ, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản đảm bảo, cũng như đăng ký lưu ký và thanh toán trong các đợt phát hành trái phiếu của Trung Nam Đắk Lắk 1. Lâu nay, câu chuyện trái phiếu Trung Nam vẫn luôn vấn đề khiến các cổ đông của VNDIRECT lo ngại và thông tin nói trên dường như đã làm "nhẹ" gánh nặng tâm lý cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc công ty chứng khoán này hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024 cũng là một chất xúc tác giúp cổ phiếu tăng mạnh. Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Vietcap, VNDIRECT dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2024 sẽ đi ngang so với mức 2.022 tỷ đồng ghi nhận năm 2023.
Từ cuối tháng 3/2024 đến nay, cổ phiếu VND đang ở trong giai đoạn “downtrend”. So với mức đỉnh 24.300 đồng, đã có thời điểm cổ phiếu này bốc hơi hơn 50%, lùi về sát 11.000 đồng.
Thực tế cho thấy, sau khi VNDIRECT bị tấn công hệ thống, cổ phiếu VND đã mất đi động lực tăng giá. Thêm vào đó, sự suy giảm thị phần môi giới cũng ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực.
Theo nhiều chuyên gia, VNDIRECT đang đối mặt với nguy cơ đánh mất thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán. Đến hết quý III/2024, thị phần môi giới trên sàn HoSE của công ty chứng khoán này giảm còn 5,7%, tụt xuống vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng - đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2016. Bước sang quý IV, VNDIRECT tiếp tục để mất thị phần, giảm từ 5,7% xuống 5,08%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Tính chung cả năm 2024, công ty chứng khoán của bà Phạm Minh Hương chiếm 5,87% thị phần, giảm 3 bậc so với năm trước, qua đó đứng ở vị trí thứ 6. Trong giai đoạn 2022 - 2023, công ty luôn giữ vị trí thứ 3 với lần lượt là 7,88% và 7,01%.
Dù ghi nhận sự bùng nổ về giá và thanh khoản nhưng thực tế vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định cổ phiếu VND sẽ bước vào sóng tăng mới. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu này hiện vẫn nằm trong xu hướng giảm. Các đường trung bình động MA10 và MA20 hiện vẫn chưa báo hiệu xu hướng tăng.
Để có thể kết thúc xu hướng giảm kéo dài nhiều tháng, VND sẽ cần phải có 1 khoảng thời gian tích lũy. Hiện tại, mức kháng cự của cổ phiếu là 14.000 đồng/cp, trong khi vùng hỗ trợ tương ứng là 11.200 đồng/cp.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn