Theo thống kê của Mirae Asset, trong tháng 9, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 26 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động đạt hơn 24.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị huy động thông qua trái phiếu doanh nghiệp tính từ đầu năm đạt hơn 266.000 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ năm trước).
Phần lớn giá trị huy động đến từ các ngân hàng thương mại như: VIB (4.000 tỷ đồng), OCB (3.500 tỷ đồng), Vietinbank (2.850 tỷ đồng), HDBank (2.500 tỷ đồng), Sacombank (2.000 tỷ đồng), MSB (1.000 tỷ đồng), TPBank (800 tỷ đồng), ACB (500 tỷ đồng), LPB (420 tỷ đồng), BIDV (113 tỷ đồng).
Theo sau là một số doanh nghiệp bất động sản như Phát Đạt (3.490 tỷ đồng) và Trường Lộc (1.910 tỷ đồng) cùng với các doanh nghiệp khác là Nhiệt điện Thăng Long (900 tỷ đồng), Thành Thành Công (200 tỷ đồng), Chứng khoán Bảo Minh (150 tỷ đồng).
Với hoạt động mua lại trước hạn, theo thông tin đến từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đã có 58 giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn được công bố kể từ ngày 01/09 đến ngày 30/09 với tổng giá trị mua lại trước hạn ghi nhận gần 16.600 tỷ đồng.
Nổi bật nhất là động thái mua lại trước hạn đến từ các ngân hàng thương mại như OCB (4.200 tỷ đồng), BIDV (3.579 tỷ đồng), VietinBank (2.050 tỷ đồng). Bên cạnh là Bắc Á, PGBank, VPBank, MBBank đều lần lượt ghi nhận giá trị mua lại trái phiếu trước hạn 500 tỷ đồng.
Theo sau là một số doanh nghiệp có giá trị mua lại tương đối đáng kể như CTCP Xuất nhập khẩu Vật tư Nông nghiệp III (2.119 tỷ đồng), Bất động sản Phú Long (600 tỷ đồng), Saigon Glory (451 tỷ đồng) và Becamex IDC (400 tỷ đồng).
Tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp phát hành đã mua lại tổng lượng trái phiếu trước hạn lên đến hơn 131 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, các tổ chức tín dụng tiêu biểu là các ngân hàng thương mại là nhóm nhân tố chính trong hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị của toàn ngành ghi nhận gần 97.000 tỷ đồng và chiếm gần 74% tổng giá trị mua lại toàn thị trường. Phần còn lại thuộc về nhóm Bất động sản (11,8%) và Sản xuất (5,95%).
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 79.858 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 35.137 tỷ đồng, tương đương 44%. Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 26 mã trái phiếu chậm trả lãi mới tổng giá trị 239,4 tỷ đồng và 2 mã trái phiếu chậm trả gốc trị giá 550,4 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, có 2 thương vụ phát hành mới được công bố. Cụ thể, HĐQT CTCP Hàng không Vietjet (VJC) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III và IV năm 2024 với tổng giá trị tối đa 2.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu.
CTCP Đầu tư TDG Global (TDG) cũng thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III năm 2024 với tổng giá trị tối đa 100 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 2 kỳ đầu là 12,5%/năm, các kỳ sau: lãi suất tham chiếu + 4,5%/năm.