Giá USD ngân hàng tăng vọt
Cụ thể tại Vietcombank, giá USD hiện được niêm yết ở mức 24.870-25.210 đồng, tăng 30 đồng so với cuối tuần trước. Trong tuần trước (8-13/4), giá USD tại Vietcombank cũng đã tăng 60 đồng.
Tương tự tại BIDV, giá USD tăng mạnh 60 đồng lên 24.900-25.210 đồng. VietinBank nâng lên 24.900-25.240 đồng. Techcombank niêm yết 24.910-25.220 đồng, tăng 40 đồng. ACB áp dụng 24.920-25.220 đồng, tăng 40 đồng.
Tại một số ngân hàng khác như Sacombank, VPBank,…giá bán ra USD tiền mặt đã lên 25.240-25.250 đồng.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện phổ biến ở mức 25.450 đồng chiều mua và 25.550 đồng chiều bán, không có nhiều thay đổi so với hôm qua. Chênh lệch giá USD ngân hàng và USD tự do đã thu hẹp đáng kể trong thời gian gần đây, chỉ còn khoảng 300 đồng, thấp hơn mức 800 đồng hồi đầu tháng 3/2024.
So với hồi đầu năm, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 800 đồng, tương đương tăng 3,2%.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.096 VND/USD, tăng 14 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.892-25.300 đồng.
Trên thị trường quốc tế, sức mạnh đồng đô la Mỹ hồi phục sau khi dữ liệu mới về lạm phát của Mỹ được công bố. Việc lạm phát vẫn còn ở mức cao khiến giới chuyên gia dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ phải duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến, chưa thể cắt giảm lãi suất trong tháng 6 sắp tới. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt đã tăng vọt lên trên 106 điểm, cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Trong một báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán Vietcap cho rằng, bên cạnh việc chỉ số DXY tăng mạnh thì chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng là những nguyên nhân khiến tỷ giá tăng. Tâm lý thận trọng trên thị trường ngoại hối theo dõi thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed và triển vọng nhu cầu, một số nhu cầu từ khách hàng khiến giá vàng và BTC tăng. Những yếu tố này có thể tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong tháng 4. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ FDI, thặng dư thương mại cao và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp có thể giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Xem thêm tại cafef.vn