Giá USD sôi sục trước ‘bức tường thuế quan’ của Mỹ

Giá tại ngân hàng tăng mạnh vượt mốc 26.000 đồng/USD trước việc Mỹ áp thuế lên tới 46% hàng của Việt Nam. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD 25.640 - 26.000 đồng/USD, tăng 180 đồng so với đầu giờ sáng. Eximbank tăng giá USD lên mức 25.610-26.010 đồng/USD mua - bán.

Giá USD trên thị trường tự do cũng đi lên, giao dịch từ 25.870-25.970 đồng/USD mua - bán , tăng 20 đồng ở chiều mua và 70 đồng ở chiều bán so với đầu giờ sáng. Đáng ngạc nhiên là giá USD ngân hàng cao hơn thị trường tự do.

Bà Nguyễn Ngân - chủ một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ tại TPHCM cho biết: "Cả tháng nay doanh nghiệp khổ vì tỷ giá tăng cao nay lại tiếp tục tăng nữa, chúng tôi không biết phải làm sao. Cứ thế này, doanh nghiệp không còn chút lợi nhuận nào".

Giá USD sôi sục trước ‘bức tường thuế quan’ của Mỹ ảnh 1

Giá USD tại ngân hàng chiều nay lên trên mốc 26.000 đồng/USD (ảnh: Như Ý).

Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, sự tăng giá của đồng USD trong năm 2025 xuất phát từ nhiều yếu tố như chính sách tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và tạo áp lực lên tỷ giá. Thêm vào đó, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới cùng với lạm phát gia tăng tại Mỹ, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao, làm tăng giá trị đồng USD so với các đồng tiền khác.

Trong khi đó, cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì thặng dư thương mại, nhưng sự chững lại trong dòng vốn FDI và kiều hối có thể làm giảm nguồn cung ngoại tệ, tạo áp lực lên tỷ giá.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngày hôm nay, thông tin áp thuế của Mỹ lên các nước khiến thế giới "chao đảo".

Tại Việt Nam, việc Mỹ áp thuế 46% với hàng xuất khẩu sang nước này khiến xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến giảm lượng USD thu được từ xuất khẩu. Điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt USD trên thị trường, từ đó đẩy tỷ giá hối đoái tăng cao.

Theo ông Hiếu, tỷ giá tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu phải mua thêm USD để thanh toán, trong khi doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị giảm do khách hàng ở Mỹ không chấp nhận được mức giá tăng cao.

"Tôi dự đoán tỷ giá có thể tăng 5-10% trong năm nay, nhưng khả năng này có thể phải điều chỉnh trong thời gian tới, do diễn biến phức tạp của tình hình. Việc tăng tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khó có thể duy trì được mức lãi suất thấp như hiện nay do Fed cũng khó có thể tiếp tục giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng", ông Hiếu nói.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Hữu Huân, giá vàng tăng mạnh cũng gây áp lực lên thị trường ngoại hối. Dù thị trường vàng đang được Ngân hàng Nhà nước giám sát, quản lý chặt chẽ, tuy nhiên khi giá vàng tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua vàng trong nước, các nhà kinh doanh vàng sẽ dùng ngoại tệ để mua vàng.

Mặt khác, tỷ giá cũng chịu áp lực từ nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê về cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 2, nhập siêu đạt 1,55 tỷ USD, ghi nhận mức thâm hụt lần đầu tiên kể từ tháng 5/2024.

Kho bạc Nhà nước thời gian qua cũng có các đợt chào mua USD từ các ngân hàng thương mại cũng phần nào khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt và gây thêm áp lực lên tỷ giá.

Nhận định về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, nhiều nhà phân tích cho rằng thách thức vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD. Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của ông Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. Vì vậy, rủi ro tỷ giá vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới.

Xem thêm tại tienphong.vn