Giá vàng lập đỉnh, rủi ro cỡ nào?

Ngày 8-3, giá vàng nhẫn ghi nhận mốc đỉnh lịch sử mới khi vượt 69 triệu đồng/lượng trong khi vàng miếng SJC cũng duy trì vùng đỉnh với giá mua vào - bán ra là 79,8 - 81,8 triệu đồng/lượng.

Lực cầu vàng nhẫn tăng vọt

Thị trường vàng năm nay diễn biến khá bất ngờ khi giá vàng và nhu cầu vàng không giảm sau ngày Thần Tài (mùng 10 tháng giêng). Ngược lại, giá vàng trong nước liên tục đi lên, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.

Đáng chú ý, theo ghi nhận của phóng viên, ngày 8-3, nhu cầu mua vàng của người dân tiếp tục tăng, tập trung vào vàng nhẫn. Tại trụ sở chính Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC, quận 3, TP HCM), dù không diễn ra tình trạng đổ xô mua vàng song khách ra vào cũng khá nhộn nhịp, trong đó đa phần hỏi mua vàng nhẫn trơn và bán vàng miếng SJC.

Theo các công ty kinh doanh vàng, giá vàng trong nước gần đây tăng mạnh do ảnh hưởng từ đà tăng của kim loại quý này trên thị trường thế giới. Cuối ngày 8-3 (giờ Việt Nam), vàng thế giới giao dịch ở mức 2.161 USD/ounce (tương đương 64,8 triệu đồng/lượng).

Bà Hàn Thị Bình, chủ tiệm vàng ở khu vực chợ Gò Vấp (TP HCM), cho hay trong ngày 8-3, khách hàng đến giao dịch khá đông. Nhiều người trong số họ là khách quen, khi thấy giá vàng liên tục tăng trong khi lãi suất tiết kiệm quá thấp thì quyết định mua vàng để cất giữ. Ngược lại, không ít người tranh thủ giá vàng liên tục lập đỉnh để bán ra kiếm lời.

Tại một số cửa hàng của thương hiệu vàng SJC, PNJ, DOJI ở TP HCM, nhân viên bán hàng cho biết giao dịch mua vàng nữ trang tăng cao trong dịp lễ 8-3 để làm quà tặng. Cũng có trường hợp người dân kỳ vọng giá vàng còn tăng theo nhịp thế giới nên mua số lượng không nhỏ để đầu tư.

Giá vàng trong nước liên tiếp phá đỉnh cũ phần nào tác động đến tỉ giá và có thể làm giảm thêm sức hấp dẫn của kênh huy động vốn ngân hàng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Giá vàng trong nước liên tiếp phá đỉnh cũ phần nào tác động đến tỉ giá và có thể làm giảm thêm sức hấp dẫn của kênh huy động vốn ngân hàng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tác động tới tỉ giá chưa đáng kể

Khi giá vàng miếng SJC biến động quanh vùng 81,5 - 82 triệu đồng/lượng, ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý ASEAN (AJC), cho rằng một số nhà đầu tư có xu hướng chốt lời loại vàng này. Trong khi đó, với giá vàng nhẫn đang ở vùng cao hơn giá vàng thế giới khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/lượng, người dân đang mua vàng nhẫn nhiều hơn bán ra. Nếu tình trạng này tiếp tục lan rộng sẽ kích thích gia tăng nhập vàng tiểu ngạch. "Khi đó, giá USD trên thị trường tự do sẽ tăng mạnh, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ, ảnh hưởng không tốt đến tỉ giá VNĐ/USD, tác động không tích cực đến kinh tế vĩ mô" - ông Đang nhận định.

Liên quan nỗi lo vàng lậu có thể tràn về qua đường biên mậu, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết nguyên liệu vàng nhập khẩu không chính thức sẽ không sản xuất được vàng miếng SJC. Do vậy, vàng nhập lậu chỉ có thể cung ứng cho các tiệm nhỏ lẻ. Mặt khác, các cơ quan chức năng luôn tăng cường kiểm tra nên nhập khẩu vàng lậu nếu có cũng chỉ nhỏ giọt, số ngoại tệ chảy ra nước ngoài không đáng kể, tác động không nhiều đến tỉ giá.

Theo ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), trong bối cảnh các công ty không được cấp phép nhập khẩu vàng, nhu cầu mua vàng nhẫn nhiều hơn trong khi số lượng bán ra ít hơn bình thường khiến nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thiếu hụt thêm. "PNJ hiện ưu tiên nguồn nguyên liệu để sản xuất trang sức - mảng kinh doanh chính của công ty, không ưu tiên sản xuất vàng nhẫn nên có hiện tượng thiếu vàng nhẫn so với nhu cầu đang tăng của khách hàng" - ông Thông giải thích.

Cũng theo ông Lê Trí Thông, quy mô thị trường vàng hiện nay không còn lớn như trước, thị trường vàng trong nước cũng không liên thông với thế giới nên không tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng. Các yếu tố này hỗ trợ tỉ giá chưa bị tác động bởi giá vàng trong nước tăng cao.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, giá vàng tăng cao trong khi lãi suất huy động đang thấp có thể gây rủi ro ở mức nhất định đối với nền kinh tế. Bởi một phần nguồn tiền trong dân sẽ chảy vào kênh đầu cơ vàng thay vì gửi tiết kiệm ở ngân hàng để từ đó đưa ra nền kinh tế, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. 

Khó có giải pháp toàn diện

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận biến động của thị trường vàng gần đây đang tác động tới lãi suất và tỉ giá. Cụ thể, giá vàng tăng kích thích nhu cầu mua vàng để dành, trong đó có một phần dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm. Nếu diễn biến này kéo dài, về mặt lý thuyết, có thể tác động khiến lãi suất nhích lên.

Bên cạnh đó, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao trong thời gian dài sẽ kích thích nhu cầu gom USD để nhập lậu vàng qua đường biên mậu. Thực tế, giá USD tự do đã tăng khá mạnh trong thời gian qua, nhiều thời điểm giá USD tự do cao hơn giá USD liên ngân hàng khoảng 1.000 đồng/USD.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân góp ý Ngân hàng Nhà nước cần sớm có động thái sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Điều này sẽ tránh những cú sốc đột ngột cho thị trường cũng như bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp và người mua, bán vàng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, người sáng lập TOPI - nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân, cho rằng thị trường vàng là thị trường phức tạp vì có nhiều đối tượng tham gia, giao dịch vàng chủ yếu bằng tiền mặt, chưa có hệ thống mua bán như cổ phiếu. Vì vậy, đòi hỏi một giải pháp toàn diện để quản lý thị trường này là rất khó.

Giá vàng thế giới còn tăng

Giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 8-3 khi giao dịch quanh ngưỡng 2.168 USD/ounce.

Giá vàng duy trì ở mức cao trong tuần này nhờ kỳ vọng vào khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới. Chủ tịch FED Jerome Powell hôm 7-3 tuyên bố thời điểm cắt giảm lãi suất "không còn xa". Theo đài CNBC, ông Powell cho biết FED đang chờ tín hiệu chắc chắn rằng lạm phát giảm trở về mức mục tiêu 2% một cách bền vững trước khi hành động. Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group, khả năng các nhà giao dịch kỳ vọng FED giảm lãi suất vào tháng 6 này lên đến 74%, tăng so với tỉ lệ 63% trong khảo sát hôm 29-2.

Chuyên gia phân tích Carsten Fritsch, Công ty Dịch vụ tài chính ngân hàng Commerzbank (Đức), đưa ra kỳ vọng ngày càng tăng về việc FED cắt giảm lãi suất, đặc biệt là sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ suy yếu được công bố. Bên cạnh đó, sự điều chỉnh sắp tới trên thị trường chứng khoán đã thúc đẩy nhu cầu tìm đến các loại tài sản thay thế, ví dụ vàng.

Chiến lược gia về thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới Joseph Cavatoni nhận định việc giới đầu tư kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy giá vàng tăng. Ông Cavatoni dự báo hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mạnh mẽ.

Theo hãng tin Reuters, tại các thị trường vàng vật chất, giá tăng dự kiến sẽ làm giảm sức tiêu thụ trong mùa cưới ở Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia mua vàng hàng đầu thế giới - có thể chứng kiến nhu cầu tìm đến vàng như kênh trú ẩn an toàn tăng mạnh. Ông James Steel, nhà phân tích kim loại quý tại Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC), nhận định rủi ro địa chính trị cũng là động lực chính cho vàng tăng giá. Theo chuyên gia này, có rất ít loại tài sản được các nhà đầu tư xem là kênh trú ẩn an toàn và vàng là một trong những số đó.

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính UBS Group AG (Thụy Sĩ) dự báo với kịch bản cắt giảm lãi suất của FED vào giữa năm nay, cùng lực mua vàng của ngân hàng trung ương, nhu cầu từ Trung Quốc và nhu cầu phục hồi của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng, giá vàng sẽ tăng lên 2.250 USD/ounce vào cuối năm 2024.

Xuân Mai


Xem thêm tại cafef.vn