Giá vàng miếng SJC giảm không phanh, nhiều người "đu đỉnh" lỗ nặng
Cuối ngày 1-6, Công ty SJC tiếp tục hạ giao dịch vàng SJC mua vào chỉ còn 81 triệu đồng/lượng, bán ra 83,5 triệu đồng/lượng - giảm 1,5 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.
Một số doanh nghiệp khác hạ giá mua vào ở mức thấp hơn, như DOJI, PNJ mua vào 80,95 triệu đồng/lượng, bán ra 83 triệu đồng/lượng.
Chỉ trong ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC giảm tổng cộng 3,5 triệu đồng/lượng. Nếu so với hồi đầu tháng 5 - khi giá vàng miếng SJC ở mức đình là 92,4 triệu đồng, những người bán vàng thời điểm này lỗ hơn chục triệu đồng.
Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, khi giá vàng liên tục lập đỉnh 90-92 triệu đồng, rất nhiều người đã đi mua vàng với kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng cao.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC giảm từng ngày, thậm chí từng giờ. Giá vàng rớt mạnh trong vài ngày qua sau thông tin Ngân hàng Nhà nước bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại - gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank, để các ngân hàng này bán lại cho khách hàng cá nhân. Đáng chú ý, các ngân hàng chỉ bán vàng miếng SJC cho khách hàng mà không mua vào.
Diễn biến lao dốc nhanh chóng của giá vàng miếng SJC chỉ trong vài ngày khiến chênh lệch với giá thế giới thu hẹp. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 71,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 12 triệu đồng/lượng.
Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết phương án Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mục đích của việc bán can thiệp vàng là để thu hẹp khoảng cách giá trong nước và giá quốc tế quy đổi. Trước đây, với phương án đấu thầu thì khoảng cách này không thu hẹp là bao.
"Bởi lẽ, can thiệp là để giá xuống mà đấu thầu là chọn giá cao nhất để bán cho người dự thầu lại với giá khởi điểm sát giá thị trường thì làm sao thành công được. Nay Ngân hàng Nhà nước bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để từ đó các ngân hàng này bán ra thị trường thì tôi nghĩ sẽ thành công, tức là khoảng cách chênh lệch giá trong nước và nước ngoài sẽ nhanh chóng được thu hẹp. Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước bán cho ngân hàng thương mại giá nào, và các ngân hàng thương mại bán ra thị trường giá nào?" - ông Phước nhìn nhận.
Theo ông Trương Văn Phước, quyền tài sản là một trong những quyền căn bản của công dân. Việc mua hay bán vàng phải khẳng định là quyền của người dân, cũng như mong muốn qua các giao dịch vàng hợp pháp người ta tìm kiếm được lợi nhuận. Còn việc điều tiết qua các hình thức thuế là một vấn đề khác.
"Thị trường vàng có nhiều biến động. Đây là một thị trường có khả năng sinh lời nhưng cũng hết sức rủi ro, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng phương thức bán vàng can thiệp trực tiếp. Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng trong các giao dịch vàng sắp tới" - ông Phước khuyến cáo.
Xem thêm tại cafef.vn