Giá vàng nhẫn, USD tăng ‘nóng’

Vàng nhẫn vượt mốc 77 triệu đồng/lượng

Vàng miếng SJC vẫn "neo" cao quanh mốc 84 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn tăng mạnh. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết 75,56 - 77,26 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Giá vàng nhẫn, USD tăng ‘nóng’ ảnh 1

Giá vàng nhẫn liên tục tăng mạnh lên trên mốc 77 triệu đồng/lượng (ảnh: Ngọc Mai).

Tập đoàn Doji niêm yết vàng nhẫn 75,55 - 77,45 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tăng mạnh bởi giá vàng thế giới tăng trong khi giá vàng miếng SJC chững lại sau thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ đầu thầu vàng miếng trở lại.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam - nhận định, vừa qua thị trường vàng thế giới có nhiều biến động.

Với thị trường vàng thế giới, thông thường vàng được dùng là công cụ quản lý rủi ro khi có những biến động về chính trị. Động thái mua ròng vàng thể hiện phản ứng của các ngân hàng trung ương đối với những biến động chính trị thời gian qua.

"Trong bối cảnh địa chính trị thuận lợi, nhu cầu vàng sẽ thấp. Ngược lại, khi địa chính trị căng thẳng, nhu cầu vàng sẽ cao", ông Hùng nói.

Với thị trường vàng trong nước, theo ông Hùng, chủ yếu là biến động của cung - cầu. Tâm lý thị trường vàng Việt Nam rất đặc thù. Ở góc độ cung - cầu, nguồn cung vàng trong nước rất hạn chế. Khi có biến động, tác động về tâm lý hoặc do các xu hướng, kể cả chính sách tiền tệ với lãi suất thấp, các công cụ đầu tư khác không quá hấp dẫn…, nhu cầu về vàng tăng lên. "Trong nước, cầu tăng mà cung không tăng thì giá tăng", ông Hùng nói.

Tỷ giá xô đổ mọi kỷ lục

Tỷ giá trung tâm ngày 16/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.141 đồng/USD, tăng 45 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.934 - 25.348 đồng/USD.

Tỷ giá bán được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tăng thêm 48 đồng, mua - bán ở mức 23.400 - 25.298 đồng/USD.

Vào lúc 11h, giá USD tại Vietcombank, Ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, niêm yết ở mức 24.978 – 25.348 đồng, tăng 48 đồng so với mức đóng cửa hôm qua. VietinBank tăng mạnh 70 đồng ở giá mua và tăng giá bán lên kịch trần 25.348 đồng/USD. BIDV cũng tăng 47 đồng ở cả hai chiều giao dịch mua - bán ở mức 25.036 – 25.346 đồng/USD.

Bên nhóm ngân hàng cổ phần, giá USD cũng tăng mạnh 40-80 đồng ở cả hai chiều giao dịch trong phiên sáng hôm nay. Hiện giá bán USD tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techombank, MB, ACB, Sacombank và Eximbank dao động trong khoảng 25.330 - 25.348 đồng, đều áp sát mức trần được phép giao dịch . Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Như vậy, đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá USD tại một loạt ngân hàng được niêm yết ở mức kịch trần. Đáng chú ý, những ngân hàng có giá bán cao nhất đều thuộc nhóm Big4, cho thấy áp lực trên thị trường ngoại tệ vẫn còn lớn.

Với việc các ngân hàng đưa giá USD lên sát trần cho phép cũng như vượt xa mức giá bán tại Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp, trong đó không loại trừ biện pháp bán ngoại tệ can thiệp.

Nói về biến động tỷ giá thời gian gần đây, TS. Cấn Văn Lực cho biết, từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,5%. Đô la Mỹ tăng với 2 lý do: Thứ nhất, FED có vẻ lưỡng lự hạ lãi suất, Thứ hai là kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua. Ông cho biết, cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn. Khi FED bắt đầu hạ lãi suất, có thể từ quý 3 thì ngay lập tức tỷ giá sẽ bớt đi áp lực. Dự báo, tỷ giá có thể tăng 2,5-3% trong năm nay.

Một điểm tích cực của năm 2024 là cơ cấu cung ứng vốn cho nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn trong năm 2023. Huy động vốn từ thị trường chứng khoán dần phục hồi trở lại, tỷ trọng cung ứng vốn từ kênh chứng khoán đạt mức 12,4% (so với 10,8% năm 2022); Tỷ trọng tín dụng ngân hàng giảm nhẹ, nhưng vẫn là kênh dẫn vốn chủ cho nền kinh tế, ở mức 48,4% (từ mức 51,7% năm 2022). Dự báo cơ cấu cung ứng vốn cho nền kinh tế năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ thay đổi tích cực hơn, giảm dần tỷ trọng tín dụng ngân hàng, tăng tỷ trọng vốn từ kênh thị trường vốn, đầu tư tư nhân...

Xem thêm tại tienphong.vn