Giá vàng tăng phi mã, SJC ghi nhận lãi đột biến, cao nhất một thập kỷ

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của SJC, doanh thu của doanh nghiệp đạt 32.193 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp xấp xỉ 2%, tức cứ 100 đồng doanh thu thì sau khi trừ giá vốn còn lãi 2 đồng.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm qua đều tăng vọt. Dù vậy, điều này không thể cản bước SJC báo lãi sau thuế đến 283 tỷ đồng, đột biến so với mức 61 tỷ đồng của cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất của SJC trong vòng một thập kỷ. Con số này cũng vượt xa mục tiêu lãi sau thuế 70 tỷ đồng được ban lãnh đạo công ty trình UBND TP HCM - cơ quan đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn tại đây.

Tính đến cuối năm 2024, SJC có tổng tài sản gần 2.100 tỷ đồng. Trong số này có gần 1.500 tỷ đồng là vàng tồn kho.

-4119-1744882688.jpg

SJC là doanh nghiệp chiếm thị phần vàng miếng lớn nhất cả nước. Kết quả kinh doanh của SJC tăng vọt khi giá vàng năm ngoái từ mức dưới 63 triệu đồng lên sát 90 triệu đồng vào cuối tháng 10, tức tăng gần 43%. Xu hướng tăng giá vẫn chưa dừng lại khi giá liên tục lập đỉnh mới trong năm nay. Chỉ tính trong vòng hơn 10 ngày qua, giá vàng miếng SJC đã tăng thêm hơn 18 triệu đồng/lượng, đưa giá vàng từ mức 100 triệu đồng/lượng lên 118 triệu đồng/lượng vào ngày 17/4.

Theo dự đoán của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhu cầu vàng trong nước sẽ duy trì ổn định, dao động từ 55 - 60 tấn mỗi năm trong giai đoạn 2025-2026.

Dù vậy, trong kế hoạch kinh doanh năm 2025, ban lãnh đạo SJC đặt mục tiêu doanh thu tăng lên gần 34.900 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 89 tỷ đồng.

Trong năm nay, doanh nghiệp dự tính gia công lại hơn 20.000 lượng vàng miếng SJC bị móp méo, đồng thời đưa ra thị trường hơn 503.000 sản phẩm nữ trang và logo. Ngoài ra, SJC không có kế hoạch triển khai các dự án đầu tư nào trong năm nay.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn