Giá vật tư nông nghiệp tăng 'chóng mặt', HTX, doanh nghiệp mong có giải pháp ứng phó

Ông Ngô Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, ngành phân bón nói chung và công ty gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do những diễn biến của thị trường thế giới như: ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu phân bón bị thu hẹp, giá nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, chi phí vận tải ở mức cao; Trung Quốc thắt chặt việc xuất khẩu làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới nguồn nhập khẩu nguyên liệu…

Giá phân bón tăng liên tiếp

Đơn cử, phân Ure có giá 290 nghìn đồng/bao tại thời điểm vụ Đông Xuân 2020 - 2021 thì đến vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đã có giá là 975 nghìn - 1 triệu đồng/bao, tăng khoảng 245%; phân DAP giá từ 550 nghìn đồng/bao đã tăng đến 1.150.000 đồng/bao, tăng 109%; phân kali từ 330 nghìn đồng/bao đã tăng lên 800 nghìn đồng/bao, tức tăng 143%...

Mặc dù sang năm 2023, giá phân bón có phần “hạ nhiệt” tuy nhiên chủ yếu là phân đạm, còn những mặt hàng khác như lân, kali vẫn ở mức cao. Ngoài ra, các sản phẩm thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ duy trì đà tăng 10-30%. Các loại vật tư khác như nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, thuốc, vắc-xin thú ý… cũng tăng từ 10-40%.

-9951-1703130167.jpg

Tăng cường sản xuất trong nước đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với ngành vật tư nông nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Chính, một người dân trồng ổi (xã Liên Mạc, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: “Trước đây, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ổn định, mỗi năm tôi bỏ ra từ 25-30 triệu đồng cho chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thì hiện nay chi phí này là khoảng 45 triệu đồng/năm”.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (Đồng Nai) cho biết, giá vật tư đầu vào tăng cao nên HTX ông phải tăng giá xoài bán ra, tuy nhiên điều này lại khiến sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.

“Giá xoài Việt Nam nhiều lúc xuống dưới mức 10.000 đồng/kg nhưng vẫn được nhiều đơn vị thu mua đánh giá là cao hơn so với xoài Campuchia. Trong khi có thời kỳ phân thuốc tăng cao khiến giá thành sản xuất 1kg xoài đội lên rất nhiều so với những năm trước đó”, ông Bảo nói.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng, riêng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 3,73 triệu tấn, trị giá gần 1,28 tỷ USD.

Điều đáng nói, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ bên ngoài khiến giá vật tư nông nghiệp đến tay người nông dân ngày càng cao ‘chót vót’, không chỉ vậy còn có nguy cơ khan hiếm khi tình hình thế giới tiếp tục biến động. Trong khi đó, giá cả của nông sản bán ra thị trường lại không ổn định đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bấp bênh cho ngành nông nghiệp trong tương lai.

Giải pháp nào để gỡ khó cho DN, HTX?

Nhận định về thị trường vật tư nông nghiệp thế giới trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, giá sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt là mặt hàng phân bón khi Trung Quốc đã thắt chặt việc xuất khẩu loại hàng này và nhà cung cấp phân bón lớn nhất thế giới là Nga có động thái chọn lọc thị trường để cung cấp.

Trong tình hình hiện tại, việc tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, giảm giá bán vật tư nông nghiệp tới tay người nông dân, HTX là xu hướng và nhu cầu cấp thiết để ổn định thị trường và đảm bảo sản xuất cho ngành nông nghiệp trong nước.

Theo đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất, các Bộ, ban ngành cần tiếp tục điều chỉnh các loại thuế, phí có liên quan đến sản xuất vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, có chính sách hoàn thuế, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, các loại thuế, phí có liên quan đến lĩnh vực này một cách cẩn trọng và toàn diện… để giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân.

Đồng tình với ông Thịnh, ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh đề xuất sửa đổi Luật 71, phần liên quan đến chính sách thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng 5%.

Theo ông Hà, đây là giải pháp cho hiệu quả lâu dài, việc áp thuế sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước có thêm lợi nhuận, để cân đối, phát triển sản xuất. Đồng thời việc áp dụng thuế VAT sẽ giúp ngành phân bón có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các nhà sản xuất nước ngoài, do trước đó, việc áp dụng 0% thuế giá trị gia tăng đã tạo điều kiện cho phân bón ngoại nhập len vào thị trường dễ dàng, trong khi đó, doanh nghiệp nội địa lâm vào cảnh khó khi không thể hoàn thuế đầu vào.

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền cho rằng, giá cả vật tư nông nghiệp thế giới khó giảm trong thời gian tới, do đó, các cơ quan chức năng nên có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó. Trong đó cần có những khảo sát, nghiên cứu từ thị trường và đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào.

“Từ những dự báo này, chúng ta sẽ đưa ra được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào. Ngoài ra, trong bối cảnh giá phân vô cơ tăng cao, các địa phương cũng nên khuyến nghị nông dân tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có cho cây trồng”, ông Tâm đề nghị.

Bích Tâm

Xem thêm tại vnbusiness.vn