'Giai đoạn 2025 - 2026 là điểm rơi lợi nhuận của loạt doanh nghiệp đầu tư công'

Chứng khoán ACBS đánh giá trong năm 2024, giải ngân đầu tư công tương đối chậm, song Chính phủ đang tập trung nguồn lực tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, song song với việc đẩy mạnh hoàn thiện các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt Bắc Nam.

Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, tầm nhìn của Chính phủ về tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 - 8,5%/năm. ACBS cho rằng, yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP này phần lớn sẽ đến từ các hoạt động giải ngân đầu tư công đầy tham vọng.

Vì vậy, đơn vị này kỳ vọng đầu tư công sẽ nhanh chóng được thúc đẩy ngay từ đầu năm 2025, ngay khi các luật mới ban hành đi vào hiệu lực. 

 Nguồn: ACBS.

Năm 2025, năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, và tuyến đường sắt Bắc Nam.

Đến nay, cả nước đã có 2.001 km đường bộ cao tốc. Chính phủ yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025. Tầm nhìn đến 2030, cả nước sẽ có 5.000 km đường cao tốc.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, những doanh nghiệp xây lắp như VCG, HHV, và C4G được Bộ Giao thông Vận tải chỉ định thầu. ACBS dự báo giai đoạn 2025 - 2026 được xem là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp này.

Ở dự án đường Vành đai 4 Hà Nội, có tổng mức đầu tư hơn 88.694 tỷ đồng, dài 112,8 km, đi qua 3 địa phương và gồm 7 dự án thành phần.

Sản lượng đến nay đạt khoảng 36,86%. TP Hà Nội đang tập trung giải phóng mặt bằng những đoạn còn lại để bàn giao cho nhà thầu trong năm 2024. Dự kiến đường song hành Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội sẽ hoàn thành vào quý IV/2025.

Ở dự án đường Vành đai 3 TP HCM dự kiến sẽ thông xe vào giữa năm 2025 và hoàn thành vào năm 2026.

Còn dự án sân bay quốc tế Long Thành chia thành ba giai đoạn chính với tổng vốn đầu tư là 336.600 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 đang được xây dựng với vốn đầu tư 5 tỷ USD và dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2027.

ACBS đánh giá nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp nhờ đẩy mạnh đầu tư công như nguyên vật liệu (đá xây dựng, thép, xi măng, nhựa đường…), xây dựng hạ tầng.

Một số doanh nghiệp xây dựng hạ tầng ước tính giá trị backlog tính đến cuối tháng 9/2024 đang gấp từ 2-4 lần giá trị doanh thu trung bình trong giai đoạn 2021 - 2023, qua đó tạo cơ sở để các doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trong 2 năm sắp tới.

Bên cạnh đó, nhóm ngành hưởng lợi gián tiếp nhờ đẩy mạnh đầu tư công như bất động sản dân cư và khu công nghiệp.

Nguồn: ACBS.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi lớn nhất?

Với Tập đoànHoà Phát (Mã: HPG), các chuyên gia phân tích dự báo nhu cầu thép xây dựng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025 khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng với các dự án lớn như sân bay Long Thành và tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Hoà Phát với lợi thế sở hữu đầy đủ chuỗi giá trị ngành thép, hiện giữ vững vị trí dẫn đầu trong nước với thị phần khoảng 38% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng.

Nhu cầu thép xây dựng cho đầu tư công sẽ giúp tập đoàn tối đa hóa công suất, dự kiến tăng sản lượng khoảng 10% so với năm 2024. Hơn nữa, nhu cầu ổn định sẽ giúp duy trì giá thép và đảm bảo biên lợi nhuận của Hoà Phát ổn định.

CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB) đang sở hữu 5 mỏ đá (Thạnh Phú 1, Thiện Tân 2, Tân Cang 1, Soklu 2, Soklu 5 ), các mỏ đá VLB đều có vị trí thuận lợi, cung cấp cho các dự án trọng điểm khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, Vành đai 3 TP HCM.

ACBS ước tính nhu cầu đá xây dựng cho hoạt động phát triển các dự án trọng điểm tại Nam bộ giai đoạn 2024- 2030 sẽ ở mức 37,3 tỷ m3 các loại, tương đương với lượng đá tiêu thụ hàng năm sẽ tăng thêm 10%.

Tổng trữ lượng đá nguyên khối còn lại tính đến cuối năm 2023 còn lại gần 90 triệu m3 và tổng công suất khai thác cấp phép là 5,7 triệu m3/năm sẽ giúp VLB hưởng lợi khi phục vụ nhu cầu đá xây dựng được gia tăng.

Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (Mã: PLC) là công ty cung cấp nhựa đường lớn nhất tại Việt Nam với thị phần nhựa đường cả nước khoảng 30%. Với lợi thế cạnh tranh nằm ở hệ thống kho cảng với công suất 400.000 tấn/năm trải dài trên cả nước, PLC có thể được hưởng lợi lớn từ nhu cầu nhựa đường cho xây dựng cao tốc.

Còn với CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV), ACBS đánh giá cao điểm công việc của mảng xây lắp trong giai đoạn 2024 - 2026. Kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 đã đem đến nhiều hợp đồng xây lắp lớn cho HHV.

Hiện tại, backlog của HHV đạt hơn 2.900 tỷ đồng (gấp khoảng 3 lần doanh thu xây lắp 2023). Đơn vị này kỳ vọng HHV sẽ đẩy mạnh ghi nhận doanh thu mảng xây lắp vào 2024 - 2026 với CARG đạt 16% do đây là giai đoạn hoàn thành các dự án.

HHV dự kiến huy động hơn 1.490 tỷ đồng từ việc phát hành hơn 149 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Việc phát hành liên tục sẽ giúp HHV có thêm nguồn lực để phát triển các dự án, nhưng cũng đem đến rủi ro pha loãng EPS.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) hiện có giá trị backlog lớn với hơn 17.000 tỷ đồng, hơn 2 lần doanh thu mảng xây lắp trong năm 2023 nhờ vào liên tục trúng thầu các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam.

Với chính sách đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ, VCG được đánh giá sẽ có nhiều khả năng trúng các gói thầu mới nhờ vào kinh nghiệm và năng lực triển khai các dự án lớn.

Xem thêm tại vietnambiz.vn