Giải pháp thúc đẩy tài chính xanh ở Việt Nam

Đặt vấn đề

Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là một phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP, 2016), tài chính xanh liên quan đến việc đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ tài chính cung cấp bởi các định chế tài chính hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong khi đó, Chowdhury và cộng sự (2013) cho rằng, tài chính xanh là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế “zero” khí thải nhà kính vào năm 2050 tại COP26, cho nên phát triển tài chính xanh được coi là hướng đi đúng đắn để huy động vốn cho nền kinh tế xanh. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu thực trạng, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy tài chính xanh phát triển bền vững, ổn định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững gắn với giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 là yêu cầu cấp thiết.

Thực trạng tài chính xanh ở Việt Nam

Về khung pháp lý

Tại Việt Nam, khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài chính xanh bắt đầu được hình thành khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg được Chính phủ phê duyệt với 03 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Đáng chú ý, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, giải pháp về tài chính đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra nguồn lực cả trực tiếp và gián tiếp để các cấp, các ngành, các đối tượng liên quan có điều kiện triển khai được các nhiệm vụ.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn... Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định về các danh mục dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh… Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về lộ trình phát triển thị trường cacbon, về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150), tạo khuôn khổ, động lực cho tài chính xanh phát triển trong bối cảnh mới.

Kết quả đạt được trong phát triển tài chính xanh ở Việt Nam

Hệ thống tài chính xanh bao hàm những hoạt động liên quan tới huy động nguồn tài chính xanh thông qua kênh thị trường tài chính xanh và các trung gian tài chính xanh. Đến nay, tại Việt Nam, thị trường tài chính xanh đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Về tín dụng xanh

Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Theo Cấn Văn Lực và cộng sự (2024), tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 637 nghìn tỷ đồng tại 47 tổ chức tín dụng (TCTD), chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Theo Lê Mai Trang, Vũ Ngọc Tú, Trần Kim Anh, Nguyễn Thị Yến Hạnh, Nguyễn Thị Quỳnh Hương (2024), hiện nay, ngày càng nhiều các TCTD đưa ra các gói vay xanh, đồng thời chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh, như: Dự án chuyển hóa carbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (Dự án GIF); Sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo từ nguồn vốn World Bank (Dự án REDP)...

Về trái phiếu xanh

Từ cuối năm 2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh trong chương trình hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh”, như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời. Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, ngày 17/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2021/TT-BTC hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán (TTCK)…

Tại Việt Nam, xu hướng đầu tư phát triển thị trường trái phiếu xanh cũng đang dần được hình thành và phát triển, tạo động lực cho sự phát triển và sử dụng trái phiếu xanh để thu hút đầu tư vào các dự án liên quan tới năng lượng sạch, giảm tác động có hại tới môi trường. Số liệu cho thấy giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng năm 2023 (Cấn Văn Lực và cộng sự, 2024). Hiện nay, Việt Nam là thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai khu vực ASEAN, đạt 1 tỷ USD và chỉ xếp sau Singapore.

Về cổ phiếu xanh

Theo các chuyên gia, thị trường cổ phiếu xanh có bước phát triển ban đầu. Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) vận hành trong năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ đầu tư, xác định doanh nghiệp (DN) có tính xanh để đầu tư. Hiện nay, chỉ số VNSI bao gồm 20 DN có điểm phát triển bền vững tốt nhất được niêm yết trên HOSE thuộc Top VN100 và được tính theo thời gian thực 5 giây/lần.

Thời gian qua, một số hoạt động đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của cổ phiếu xanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với IFC, tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HOSE triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các DN niêm yết...

Thách thức, rào cản

Hiện nay, tại Việt Nam đang thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và chưa hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, nguồn cung của thị trường còn hạn chế do thiếu các dự án xanh và chưa có nhiều tổ chức phát hành (Lê Mai Trang, Vũ Ngọc Tú, Trần Kim Anh, Nguyễn Thị Yến Hạnh, Nguyễn Thị Quỳnh Hương, 2024).

Bên cạnh đó, với tín dụng xanh, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất đã gây khó khăn cho các TCTD trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng xanh giai đoạn vừa qua cũng chưa giải quyết được vấn đề nguồn vốn ngân hàng thực hiện tín dụng xanh. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn lâu, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD phần lớn là vốn ngắn hạn.

Theo nghiên cứu của Cấn Văn Lực (2024), tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, cụ thể: (i) Chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh...); (ii) Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế; (iii) Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh (ưu đãi thuế, phí; về hạn mức tín dụng; về lãi suất...); (iv) Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn... trong khi các nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn, trung hạn; (v) Nhận thức của thị trường đối với ESG, tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều; (vi) Rất nhiều DN niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị DN; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.

Một số giải pháp đề xuất

Nhằm thúc đẩy tài chính xanh phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững gắn với giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

- Tiếp tục hoàn thiện khung chính sách tài chính cho phát triển thị trường tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, tài chính xanh...

- Ưu tiên đầu tư và chi tiêu trong những lĩnh vực xanh và ban hành chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh như ưu đãi về thuế, phí…

- Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh thống nhất áp dụng trên toàn thị trường. Tăng cường hoạt động của các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm xanh, công khai và minh bạch các chỉ số xếp hạng xanh. Cần tập trung phát triển tổ chức tư vấn trong nước cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ cổ phiếu xanh hay trái phiếu xanh.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường tài chính vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên TTCK gắn với tăng trưởng xanh; nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số VNSI để phù hợp hơn với bối cảnh phát triển bền vững trên TTCK hiện nay…

Về phía các tổ chức tín dụng

- Chủ động xây dựng và phát triển các dịch vụ ngân hàng xanh, hướng tới hình thành các ngân hàng xanh tại Việt Nam.

- Chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược về tài chính xanh cũng như các chiến lược quản trị rủi ro về môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh; nâng cao nhận thức cho đội ngũ về tín dụng xanh, ngân hàng xanh...

- Xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh; có sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các lĩnh vực khác nhau...

Về phía doanh nghiệp

- Nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, về ESG và phát triển bền vững thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn...

- Xây dựng tổng thể chiến lược chuyển đổi xanh của DN, trong có xác lập kế hoạch phát hành trái phiếu ESG. Nên lựa chọn sản phẩm trái phiếu ESG phù hợp mục đích cụ thể của DN ở từng giai đoạn/lộ trình phát triển.

- Chủ động nâng cao năng lực về quản trị DN, quản trị ESG; chú trọng đến yếu tố môi trường ngay từ khi chuẩn bị dự án và tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020;
  2. Chính phủ (2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
  3. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”;
  4. Bùi Kim Thanh (2024), Tài chính xanh là tiền đề cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Nhân dân điện tử. https://nhandan.vn;
  5. Lê Mai Trang, Vũ Ngọc Tú, Trần Kim Anh, Nguyễn Thị Yến Hạnh, Nguyễn Thị Quỳnh Hương (2024), Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2024

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn