Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô, doanh nghiệp nào hưởng lợi nhất?
Hồi tháng 5/2024, Bộ Tài chính đã đề xuất một số phương án hỗ trợ ngành ô tô trong nước như gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong các tháng 6, 7, 8, 9/2024 đến tháng 11/2024; và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong khi quyết định gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đã được chấp thuận trước đó, thì đến ngày 15/8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 384/TB-VPCP nêu kết luận Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước. Tại thông báo này, Văn phòng Chính phủ cho biết, các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ thống nhất thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng, sau thời gian chờ đợi thông tin về việc giảm lệ phí trước bạ, người tiêu dùng có khả năng sẽ thực hiện mua xe ngay sau tháng 7 âm lịch. Bởi một số đại lý ô tô cũng đang có ưu đãi 100% phí trước bạ đối với xe sản xuất trong nước, giúp người mua không phải chờ đến khi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán xe ô tô tháng 7/2024 tăng 17% so với cùng kỳ và tăng 9% so với quý trước, nhờ các chương trình giảm giá mạnh của các đại lý ô tô.
Dù vậy, SSI Research nhận định, doanh thu quý III/2024 của doanh nghiệp ô tô dự kiến vẫn bị ảnh hưởng bởi người tiêu dùng tạm hoãn mua xe để chờ chính sách ưu đãi cũng như tâm lý hạn chế mua sản phẩm có giá trị trong tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch). Tuy nhiên, sang quý IV/2024, nhu cầu dồn nén sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu.
Theo đó, doanh số bán xe ô tô của các công ty như Toyota, Honda và Ford Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 sẽ cao hơn dự kiến. Các doanh nghiệp này hiện là công ty liên kết của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã VEA) nên khả năng VEAM sẽ được hưởng lợi lớn từ việc nắm giữ cổ phần tại các đơn vị trên. Hiện VEAM đang nắm giữ 20% cổ phần tại Toyota Việt Nam, 30% cổ phần tại Honda Việt Nam và 25% cổ phần tại Ford Việt Nam.
Trong quý II/2024 vừa qua, VEAM công bố doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt gần 1.024 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và 1.822 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ). Phần lớn lợi nhuận của công ty đến từ lãi tiền gửi tiết kiệm và lợi nhuận từ các công ty liên doanh như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.
SSI Research cho biết, trong khi kết quả doanh thu trên phù hợp với dự báo của công ty chứng khoán này thì lợi nhuận sau thuế lại vượt 10% dự báo do hoạt động xuất khẩu mạnh từ Honda Việt Nam. Cụ thể, lợi nhuận từ công ty liên kết đạt khoảng 1.630 tỷ đồng (tăng 3,6% so với cùng kỳ và tăng 31% so với quý trước), phù hợp với tín hiệu phục hồi từ dữ liệu doanh số bán xe. Doanh số tài chính giảm 32% so với cùng kỳ do mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp hơn năm trước.
Với sự phục hồi về doanh số bán xe và lợi nhuận từ các công ty liên kết trong quý II/2024 cao hơn dự kiến, nhóm phân tích giả định doanh số ô tô và xe máy trong nước năm 2024 của VEAM sẽ tăng lần lượt 9% và 2% so với cùng kỳ.
Cộng thêm một số yếu tố hỗ trợ khác như tiêu dùng phục hồi và tỷ suất cổ tức hấp dẫn (ước tính tỷ suất cổ tức của VEAM lần lượt là 11% và 10% trong năm 2024 và 2025), SSI Research duy trì dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 của VEAM lần lượt là 3.800 tỷ đồng (tăng 0,5% so với năm 2023) và 6.540 tỷ đồng (tăng 4,4% so với năm 2023).
Sang năm 2025, nhóm phân tích dự phóng doanh thu thuần của VEAM duy trì ở mức hơn 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất có thể đạt 6.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 1% và 2% so với năm 2024, với giả định lãi suất tiền gửi tăng cao hơn và doanh số bán ô tô tiếp tục phục hồi.
Về dài hạn, SSI Research kỳ vọng thu nhập của mảng liên doanh xe máy và ô tô sẽ đạt CAGR giai đoạn 2024-2028 lần lượt là 1,6% và 4,8%. Do đó, cổ tức của VEA dự kiến sẽ rơi về mức thấp nhất trong năm 2025 và tăng cho đến năm 2028.
Xem thêm tại cafef.vn