Giảm ròng rã suốt một quý vừa qua, cơ hội nào cho cổ phiếu ngành thép?

Cổ phiếu nhóm thép chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong thời gian qua do giá và sự chậm lại của nhu cầu nội địa. Trong vòng 3 tháng qua HPG giảm 10,28%; HSG giảm 15,83%; NKG giảm 12,6%.

Cập nhật triển vọng cổ phiếu ngành thép, Chứng khoán MBS mới đây kỳ vọng giá thép sẽ hồi phục từ quý 4 năm 2024 và tăng mạnh từ năm 2025 nhờ triển vọng từ thị trường Trung Quốc.

Tại thị trường Trung Quốc, nguồn cung dư thừa và nhu cầu yếu trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của giá thép. Giá thép xây dựng và HRC ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm với mức giảm lần lượt là 24% và 21% so với đầu năm. Xét về nhu cầu, tình trạng suy thoái của thị trường bất động sản ngày càng trầm trọng hơn bất chấp nhiều chính sách kích cầu từ Chính phủ. Vào T7/2024, giá nhà ở Trung Quốc sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm với mức giảm 5% so với cùng kỳ (hơn 4,5% của tháng 6).

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép, Chứng khoán MBS dự báo bất động sản sẽ tiếp tục khủng hoảng đến cuối năm 2024 và tiềm năng giá thép phụ thuộc vào nguồn cung khi các nhà máy thép tham gia cắt giảm sản lượng.

Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc đã hoãn phê duyệt các nhà máy thép sử
dụng than kể từ năm 2024 để bảo vệ môi trường và hạn chế nguồn cung mới.
Ngoài ra, các tỉnh sản xuất thép lớn như Hà Bắc, Giang Tô cắt giảm 20% - 30%
sản lượng khi biên lợi nhuận gộp chạm mức âm 4% (thấp nhất trong 5 năm).

Vì vậy, khối lượng hàng Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung thắt chặt có thể tác động tích cực đến giá thép. Trong tháng 9, giá thép xây dựng Trung Quốc đã tăng 4% so với mức đáy trong tháng 8 do đó kỳ vọng giá thép cây sẽ phục hồi kể từ Q4/24 nhờ áp lực dư cung hạ nhiệt.

Hơn nữa, lưu ý rằng Trung Quốc vừa hứng chịu cơn bão Benica (cơn bão mạnh nhất được ghi nhận trong 70 năm qua) đã phá hủy một số dự án cơ sở hạ tầng tại Thượng Hải và Giang Tô. Vì vậy, nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ tăng trong ngắn hạn nhờ tiêu thụ thép cho kế hoạch tái thiết nhà ở và cơ sở hạ tầng.

Khác với Trung Quốc, tiềm năng của thép Việt Nam đến từ triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Tăng trưởng của nguồn cung nhà ở và đầu tư công đã thúc đẩy sự phục hồi của thép xây dựng. Theo CBRE, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ tăng lần lượt 30% và 20% so với cùng kỳ.

Hơn nữa, kế hoạch giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trưởng 12% so với cùng kỳ với giá trị khoảng 638 nghìn tỷ đồng khi Chính phủ tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế.

MBS dự báo giá thép xây dựng và HRC Việt Nam sẽ có mức hồi phục tích cực kể từ Quý 4/2024 khi áp lực từ Trung Quốc được giảm bớt. Ước tính giá thép xây dựng có thể đạt trung bình 571 USD/tấn tăng 4% so với cùng kỳ và HRC giảm 7% so với cùng kỳ xuống 556 USD/tấn do áp lực từ thép Trung Quốc trong 6 tháng 2024.

Trong năm 2025, kỳ vọng thép xây dựng và HRC có thể tăng lần lượt 7% và 6% so với cùng kỳ, đạt mức 611 USD và 590 USD/tấn. Trong năm 2025 - 2026, kỳ vọng thép xây dựng có thể tăng 7% và 8% đạt mức 608 USD và 657 USD/tấn.

Trên cơ sở đó, MBS đánh giá cao tiềm năng của bộ ba cổ phiếu HPG, HSG, NKG dựa trên các luận điểm: Tiêu thụ nội địa là động lực chính cho chu kỳ tăng trưởng trong 2 năm tới và giá thép có thể phục hồi kể từ Q4/24. Nhà sản xuất trong nước sẽ có thể giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá (CBPG) sẽ được ban hành từ tháng 12 năm 2024. Mức định giá của các công ty thép vẫn ở dưới mức trung bình trong giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ thép.

Xem thêm tại vneconomy.vn