Giành được khách 'sộp', SCS và VFG lãi lớn, cổ phiếu liên tiếp phá đỉnh

Cổ phiếu SCS của công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn vừa thiết lập đỉnh lịch sử khi tăng giá 2,7% trong phiên 6/6 lên 94.000 đồng/cp. Mã chứng khoán này tăng giá 35% so với đầu năm để đưa giá trị vốn hóa tiến sát mốc 9.000 tỷ đồng. 

Cổ phiếu VFG của công ty Khử trùng Việt Nam cũng đang bay cao khi đứng tại mức 72.300 đồng/cp, giảm nhẹ 0,3% so với đỉnh lịch sử mới thiết lập ngay trước đó. Trong vòng một năm, mã chứng khoán này đã gấp đôi thị giá.  

Đà tăng ấn tượng của các cổ phiếu này chủ yếu nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, nhất là khi các doanh nghiệp này giành được "khách hàng sộp" từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

 Diễn biến giá SCS, VFG so với VN-Index trong một năm. Đồ thị: TradingView.

Giành hợp đồng Qatar Airways

SCS đã có được hợp đồng cung cấp dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất cho Qatar Airways từ tháng 2 năm nay, qua đó đang giúp sản lượng khai thác và hiệu quả kinh doanh tăng vượt bậc. 

Qatar Airways là một khách hàng lớn của Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) nhưng đang dịch chuyển do TCS quá tải công suất và không có quỹ đất để mở rộng. Khách hàng này bắt đầu đàm phán chuyển sang dùng dịch vụ của SCS từ năm 2022. 

Các đơn vị phân tích đánh giá khách hàng mới này có thể đóng góp thêm 25% sản lượng và 25-30% lợi nhuận cho SCS trong năm 2024, điều này thúc đẩy thị phần của công ty tăng mạnh từ mức 35% lên gần 50%.

 Sản lượng hàng hóa 5 tháng đầu năm của SCS. Nguồn: HL tổng hợp.

Thực tế, theo báo cáo sản lượng công khai, SCS ghi nhận sản lượng hàng hóa 105.800 tấn, tăng trưởng hơn 41%. Trong đó, động lực chính đến từ khách nước ngoài khi hàng quốc tế chiếm gần 77.500 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ (hàng quốc nội tăng hơn 29%).  

Theo báo cáo tài chính quý I, công ty ghi nhận doanh thu tăng trưởng 31% lên gần 213 tỷ đồng, với biên lãi gộp đến 79%. Lợi nhuận sau thuế hơn 147 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Khoảng 60% tài sản của doanh nghiệp (1.000 tỷ đồng) là tiền mặt và tiền gửi.

Không chỉ có đòn bẩy bứt phá nhờ khách hàng mới, SCS còn được dự báo hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành hàng không, căng thẳng trên biển Đỏ cũng như kế hoạch mở rộng công suất tại Sân bay Quốc tế Long Thành.... 

"Qatar Airways đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế trong những năm tới. SCS, với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ bốc dỡ hàng hóa cho đối tác, sẽ trực tiếp hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng này", Chứng khoán DSC đánh giá. 

Chuyên gia VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 giúp thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty logistics. Cổ phiếu ngành này còn thu hút nhà đầu tư bởi câu chuyện tăng công suất, đơn cử như nhà ga hàng hóa mới tại sân bay Long Thành dự kiến khởi công vào cuối năm.

Mới đây, SCS thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 11/6 để trả nốt cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 30%, tương đương chi ra số tiền 285 tỷ đồng. Tổng mức chi trả cho cả năm 2023 là 50% bằng tiền. 

"Miếng bánh" Syngenta

Động lực tăng trưởng của Khử trùng Việt Nam (VFG) cũng đến từ một khách hàng sộp là hãng nông dược và thuốc bảo vệ thực vật Syngenta. Đây từng là đối tác chiến lược của tập đoàn Lộc Trời trước khi chuyển sang bắt tay với VFG từ năm 2022 đến nay. 

Lộc Trời là một trong các đối thủ chính của VFG trong mảng nông dược và thuốc bảo vệ thực vật. "Sự ra đi" của Syngenta lúc đó từng dấy lên lo lắng về hiệu quả kinh doanh của Lộc Trời khi mảng thuốc bảo vệ thực vật trước đó chiếm đến 60% doanh thu tập đoàn. 

Số liệu kinh doanh cho thấy lợi nhuận của Lộc Trời giảm đáng kể trong 2 năm qua, thậm chí có một số quý kinh doanh thua lỗ. Cơ cấu nguồn thu cũng chuyển dịch mạnh sang mảng nông sản (chiếm 70% doanh thu tập đoàn trong năm 2023). 

 Đổi ngôi lợi nhuận giữa VFG và Lộc Trời. Nguồn: HL tổng hợp. 

Trong khi đó, "làn gió mới" từ Syngenta giúp VFG có kết quả kinh doanh tích cực để thúc đẩy cổ phiếu lên giá. Từ mức lợi nhuận ổn định 130-160 tỷ đồng giai đoạn 2015-2021, công ty khử trùng này bứt phá lên mặt bằng mới 230-295 tỷ đồng hai năm vừa qua. 

Trong quý đầu năm nay, công ty tiếp tục chứng kiến doanh thu thuần tăng trưởng 40% đạt gần 966 tỷ đồng, lãi ròng theo đó tăng 38% so với cùng kỳ đạt 79 tỷ đồng. Con số lãi ròng này tương đương 26% kế hoạch lãi kỷ lục 300 tỷ đồng của năm 2024.  

Với kết quả kinh doanh bứt phá, VFG gần đây còn gây chú ý khi công bố chi tổng cộng 64,2 tỷ đồng (gấp 3,7 lần cùng kỳ) để trả lương, thưởng và thù lao cho dàn lãnh đạo cấp cao. Đáng chú ý có Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Tuyết nhận về gần 7,5 tỷ đồng thù lao và tiền thưởng mỗi tháng trong quý I/2024.

Một yếu tố cũng hỗ trợ đà tăng giá gần đây là thông tin chi trả cổ tức 30% bằng tiền mặt cho năm 2023, cao gấp rưỡi so với kế hoạch ban đầu là 20%. Ngày 14/6 tới đây, doanh nghiệp sẽ chi trả cổ tức đợt ba với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.

Hiện VFG là công ty con của The PAN Group với tỷ lệ sở hữu 51,25% vốn điều lệ. Triển vọng kinh doanh tích cực cũng giúp doanh nghiệp vừa đón thêm cổ đông lớn là Pyn Elite Fund (Non-Ucits), khi mới mua thêm 2 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,79% vốn từ 22/5. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn