Giao dịch chưa hết ảm đạm, VN-Index tiến gần trở lại mốc 1.250 điểm

Cổ phiếu của Vietnam Airlines tăng kịch trần, đóng góp tịch cực cho phiên tăng điểm 29/7
Cổ phiếu của Vietnam Airlines tăng kịch trần, đóng góp tịch cực cho phiên tăng điểm 29/7.

Trong tuần trước, báo cáo của một số tổ chức như HSBC, Citibank đều có những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2024 lên 6.5% (trước đây là 6%) và giảm dự báo lạm phát xuống 3,6%. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 39 - 40 tỷ USD trong năm nay, tương đương hoặc cao hơn so với kết quả năm 2023. 

Tuy vậy, chứng khoán Việt Nam vẫn biến động khá tiêu cực. VN-Index kết thúc tuần ở mức 1242,11 điểm, giảm 1,79%, khối lượng giao dịch giảm 18,3% so với tuần trước, dưới mức trung bình. Cũng trong tuần vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ quyết định lùi thời hạn công bố quyết định Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường hay không tới ngày 2/8/2024 do ảnh hưởng bởi sự cố máy tính gần đây. 

Khởi đầu tuần mới, sắc xanh tiếp tục được duy trì trên các chỉ số ngay từ đầu phiên giao dịch. Nhiều nhóm ngành cổ phiếu giao dịch tích cực và góp phần giữ được sự tích cực của thị trường chung. Các chỉ số duy trì sắc xanh xuyên suốt cả phiên dù đôi lúc áp lực bán mạnh cũng xuất hiện. Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường vẫn còn tương đối yếu khi thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, các mã như BID, VNM, HPG, GVR… tăng giá tốt và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, BID tăng 1,8% và đóng góp cho VN-Index 1,18 điểm. Bên cạnh BID, một số cổ phiếu ngân hàng khác như HDB, TPB, ACB, LPB hay CTG cũng đều tăng giá ở phiên hôm nay.

Đứng thứ hai trong danh sách tác động tích cực đến VN-Index là HVN. Cổ phiếu này được kéo lên mức giá trần sau khi giảm khoảng 45% chỉ trong 3 tuần giao dịch. HPG phiên hôm nay cũng gây bất ngờ khi tăng 1,6% và đóng góp 0,7 điểm cho VN-Index. Các cổ phiếu thép như TVN, VGS, NKG… cũng tăng giá tốt. Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index phiên 29/7.

Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất cũng có một phiên giao dịch tích cực khi BFC được kéo lên mức giá trần ngay từ đầu phiên giao dịch. DDV tăng 5%, LAS tăng 4,8%, DCM tăng 4,6%, CSV tăng 2%... Nhóm ngành này ghi nhận nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II tích cực. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của BFC, doanh thu thuần quý II/2024 của doanh nghiệp đạt 2.916 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 190,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ. Tương tự, BCTC của DCM cho thấy doanh nghiệp này đạt 598 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý II, tăng 85% so với cùng kỳ.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh ở phiên hôm nay. Các mã như NTL, TCH, DIG… đều tăng giá, trong đó, NTL tăng đến hơn 4%, TCH tăng 3,9%... Hướng ngược lại, các cổ phiếu như PDR, DXG, HDG, NLG.. đều chìm trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu ảnh hưởng xấu đến VN-Index có VHM, MBB, VGC, VJC, VRE… Trong đó, VHM giảm 1,7% và lấy đi của VN-Index 0,69 điểm. MBB giảm 0,8% và lấy đi 0,26 điểm.

Đáng chú ý, một số các cổ phiếu như HBC, HNG, LDG hay DLG đều bị bán xuống mức giá sàn. Cả HBC và HNG đều mới nhận được thông báo sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Cụ thể, BCTC kiểm toán của HBC tại ngày 31/12/2023, công ty đã lỗ lũy kế hơn 3,240 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hơn 2,741 tỷ đồng. Trong khi đó, HNG bị hủy niêm yết bắt buộc là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,49 điểm (0,36%) lên 1.246,6 điểm. Toàn sàn có 244 mã tăng, 168 mã giảm và 94 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,86 điểm (0,36%) lên 237,52 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 63 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (0,29%) lên 95,46 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 496,9 triệu cổ phiếu, tăng khoảng 8% so với phiên cuối tuần trước, tương ứng giá trị giao dịch 11.380 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HoSE và HNX đạt lần lượt 1.061 tỷ đồng và 482 tỷ đồng.

Khối ngoại mua bán ròng đan xen trong các phiên gần đây.

Khối ngoại bán ròng trở lại 224 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó, PDR bị bán ròng mạnh nhất với 41 tỷ đồng. DCM và MWG bị bán ròng lần lượt 39 tỷ đồng và 27 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VIX được mua ròng mạnh nhất với 63 tỷ đồng. FPT và VNM được mua ròng lần lượt 52 tỷ đồng và 37 tỷ đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn