Giao dịch chứng khoán phiên sáng 31/10: Giằng co

Trong phiên hôm qua, sau ít phút đầu khởi đầu khó nhọc lấy lại ngưỡng hỗ trợ 1.050 điểm, thì “khung giờ ác mộng” sau 14h00’ đã trở lại với áp lực bán gia tăng khiến chỉ số đảo chiều và rơi nhanh về mức thấp nhất kể từ đầu phiên ngay trước khi bước vào phiên ATC và nới thêm đà giảm trong phiên khớp lệnh giá đóng cửa này về gần 1.040 điểm khi chốt phiên.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 31/10, nhà đầu tư vẫn rất thận trọng, đặc biệt ở nhóm bluechip dẫn dắt chỉ số khi nhóm này phân hóa mạnh khiến VN-Index rung lắc, giằng co quanh tham chiếu trong biên độ hẹp và lùi sâu hơn về dưới ngưỡng 1.040 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch khi sắc đỏ chiếm ưu thế trong rổ VN30.

Phần còn lại trên bảng điện tử cũng đang tiềm ẩn rủi ro, với có hơn 350 mã giảm trên HOSE cùng thời điểm và không ít trong số đó có những dấu hiệu nới đà giảm với những PDR, LHG, DXS, VGC, NTL, GEX, VPH, SZC, FIR ở nhóm bất động sản giảm 3-5%, nhóm cổ phiếu bán lẻ như DGW, PET hay MWG ở rổ VN30 cũng đang giảm khá sâu.

Mặt khác, phần lớn các mã thanh khoản cao trên sàn cũng đang giao dịch dưới tham chiếu, ngoại trừ DLG khi có thời điểm tăng kịch trần lên 2.030 đồng.

Rơi xuống dưới 1.035 điểm, sức cầu trở lại, nhưng chỉ tập trung ở nhóm bluechip giúp nhiều mã đảo chiều tăng đã giúp VN-Index trồi lên trên tham chiếu, nhưng phần còn lại vẫn khá ảm đạm và giao dịch chủ yếu dưới tâm thế thận trọng của nhà đầu tư.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 147 mã tăng và 306 mã giảm, VN-Index tăng 1,57 điểm (+0,15%), lên 1.043,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 291 triệu đơn vị, giá trị 5.628,5 tỷ đồng, tăng hơn 53% về khối lượng và 66% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17,7 triệu đơn vị, giá trị 413 tỷ đồng.

Các bluechip bớt tiêu cực hơn với 15 mã tăng, 8 mã giảm và phần còn lại đứng tham chiếu. Trong đó, đáng kể nhất là MWG khi là cổ phiếu giảm mạnh nhất -4,7% xuống 38.600 đồng, khớp 5,78 triệu đơn vị. Theo sau là BCM -3% xuống 57.700 đồng, SAB -2,5% xuống 59.300 đồng, SSI -2% xuống 26.950 đồng, còn lại VIC, FPT, GAS và TCB chỉ mất điểm nhẹ.

Ở chiều ngược lại, dù có tới 15 mã tăng, nhưng không mã nào vượt trội, với VNM tăng tốt nhất cũng chỉ +1,9% lên 68.900 đồng. Nhích hơn 1% còn VJC, CTG, BID, SSB, VIB, HPG và VRE.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lác đác một vài cổ phiếu nổi trội là DLG +5,3% lên 2.000 đồng, khớp 4,33 triệu đơn vị, OGC +4,6% lên 7.360 đồng, LPB +3,8% lên 15.000 đồng, DIG +3,5% lên 20.950 đồng, DXG +2,7% lên 17.100 đồng.

Trái lại, dù sức ép có phần giảm bớt, nhưng nhiều cổ phiếu vẫn có mức giảm khá mạnh như ở các mã xuất khẩu, bán lẻ, vận tải, dầu khí, bất động sản như GIL -5,9% xuống 22.500 đồng, FIR -5,1% xuống 20.500 đồng, PSH -4,4% xuống 8.800 đồng, PET -3,8% xuống 21.750 đồng, HHP -3,5% xuống 9.650 đồng, VSC – 3,4% xuống 23.950 đồng, DGW -2,9% xuống 43.900 đồng…

Các cổ phiếu thanh khoản cao trên sàn ngoài DIG, DXG và DLG nổi bật nêu trên thì phân hóa mạnh và biến động nhẹ, như STB, VIX, HAG, TCH, VCI, BAF đứng tham chiếu, với STB khớp lệnh cao nhất sàn khi có 16,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, GEX, KBC, PDR, HCM, PVD, LCG, IDI, DCM, DGC, HAH, HNG, giảm điểm nhẹ và sắc xanh nhạt tại HQC, BCG, HHV, VCG, NVL, VND…khớp từ 1,5 triệu đến hơn 11,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sức ép giảm dần ở cuối phiên cũng đã giúp HNX-Index thu hẹp đà giảm.

Chốt phiên, sàn HNX có 38 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 0,99 điểm (-0,47%), xuống 210,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,4 triệu đơn vị, giá trị 693,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 195,5 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh, với khá nhiều cổ phiếu về tham chiếu như SHS, DVM, LIG, VC3, DDG, MST, EVS, AMV, AAV…trong đó, SHS vẫn là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 11,2 triệu đơn vị.

các cổ phiếu đáng chú ý là CMS giảm sàn -10% xuống 17.200 đồng, VC7 -8,2% xuống 14.500 đồng. Các mã giảm khác như PVS, HUT, MBS, IDC chỉ mất điểm nhẹ.

Trái lại là TKG tăng trần +9,5% lên 8.100 đồng, khớp 0,8 triệu đơn vị, các mã CEO, NRC, DL1 MBG nhích hơn 2%.

Trên UpCoM, sau ít phút le lói sắc xanh, nhưng áp lực bán gia tăng và sắc đỏ vẫn lấn át, chỉ số UpCoM-Index tạm kết phiên giảm điểm.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,58%), xuống 81,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,8 triệu đơn vị, giá trị 223,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Phần lớn các cổ phiếu thanh khoản cao đều giảm, với LTG đáng chú ý nhất khi có thời điểm giảm sàn trước khi kết phiên còn -13,5% xuống 23.800 đồng, khớp lệnh hơn 1,16 triệu đơn vị.

Trái lại là MGC khi tăng trần +13,6% lên 5.000 đồng, khớp gần 0,16 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR vẫn là mã hút giao dịch nhất khi có hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm nhẹ 1,1% xuống 18.000 đồng.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn