Giao dịch chứng khoán phiên sáng 31/7: Nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu VIX

Trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, dòng tiền thận trọng khiến thị trường giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản chỉ hơn 11.000 tỷ đồng và hơn 13.000 tỷ đồng mỗi phiên. Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường phát tín hiệu tích cực khi bật tăng ngay khi mở cửa, vượt qua ngưỡng 1.250 điểm với sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử chung, cũng như trong nhóm VN30 nói riêng.

Trong các nhóm dẫn dắt, trong khi nhóm thép đang tỏ ra yếu thế, thì nhóm ngân hàng và chứng khoán lại có giao dịch tích cực. Trong nhóm ngân hàng, HDB đang là mã có mức tăng tốt nhất hơn 3,5%. Tiếp đến là BID với mức tăng gần 2,5%; các mã TPB, TCB, VPB, MSB, SHB tăng trên dưới 1%; MBB, VCB, STB tăng hơn 0,5%, trong khi các mã giảm là VIB, LPB, SSB chỉ giảm nhẹ, mạnh nhất là OCB giảm hơn 2%.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán VIX nổi bật hơn cả, thậm chí nổi bật nhất thị trường khi bất ngờ hút dòng tiền rất mạnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 10:1); Nhận cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 10:1); Thực hiện quyền mua cổ phiếu (tỷ lệ 100:95, giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Trước đó, VIX đã có chuỗi giảm mạnh từ giữa tháng 6 từ mức 19.000 đồng xuống 13.200 đồng khi đóng cửa phiên hôm qua, tương đương mức giảm hơn 30%. Nếu tính mức đỉnh trong năm xác lập hồi cuối tháng 3 (21.000 đồng), cổ phiếu VIX giảm tới 37%.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng nay, trong phiên giao dịch không hưởng quyền để thực hiện các phương án phát hành thêm tăng vốn lên hơn gấp đôi, dòng tiền tranh mua đã bất ngờ hướng tới cổ phiếu VIX lên mức kịch trần 11.250 đồng. Dù nhiều nhà đầu tư cũng tranh thủ bán ra có thể là để chuẩn bị tiền để thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, nhưng lực cầu bắt đáy lớn giúp VIX duy trì sắc tím với thanh khoản cao nhất thị trường. Có thời điểm lượng dư mua giá trần hơn 4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lực cung cũng khá lớn nên nhanh chóng hấp thụ hết lượng dư mua trần.

Các mã tăng khác trong nhóm có mức tăng khiêm tốn hơn nhiều, trong khi ở chiều ngược lại chỉ có 2 mã giảm nhẹ là TVS và VDS.

Trong nhóm bất động sản, sau chuỗi 6 phiên bị bán tháo và giảm sàn liên tục, mất tổng cộng gần 43% giá trị sau thông tin Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan bị bắt tạm giam, cổ phiếu QCG đã được giải cứu trong phiên đầu tuần này (29/7). Lực cầu bắt đáy trong phiên chiều 29/7 đã hấp thụ hết lượng dư bán, kéo QCG từ mức sàn 5.890 đồng lên mức trần 6.770 đồng với thanh khoản hơn 7,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu QCG tiếp tục duy trì đà tăng trần trong phiên hôm qua và sáng nay khi lực bán ra không còn nhiều. Hiện QCG đang ở mức trần 7.740 đồng, khớp hơn 1,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HBC sau 2 phiên bị bán tháo và giảm sàn liên tục đầu tuần sau thông tin bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE, mở cửa phiên sáng nay tiếp tục bị đẩy xuống mức sàn 5.850 đồng. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này đã nhận được lực cầu bắt đáy, hấp thụ hết lượng dư bán sàn và kéo HBC hồi dần trở lại, thanh khoản 11,5 triệu đơn vị và chỉ còn giảm 4%.

Nhóm bất động sản còn có các mã tăng mạnh khác là NVL tăng 5,3%, thanh khoản gần 13 triệu đơn vị, SGR tăng 5,8%, nhưng thanh khoản rất thấp.

Trong nhóm cổ phiếu thép, chỉ có TNI có sắc xanh nhạt, các mã lớn dẫn dắt trong nhóm giằng co trong biên độ hẹp, trong khi SMC giảm 4,9%, còn TLH thậm chí bị đẩy xuống mức kịch sàn 6.830 đồng và còn dư bán sàn.

Trong nhóm VN30, VNM sau thông tin kết quả kinh doanh khởi sắc đã bật tăng mạnh 3,84%, cao nhất trong nhóm. Bên cạnh đó, GAS cũng có mức tăng hơn 2%. Hai mã này cùng nhóm ngân hàng đang đóng góp hơn 6 điểm tích cực cho VN-Index. Trong khi ở chiều ngược lại, các mã bluechip khác như HPG, VIC, REE, BCM, FPT… chỉ giảm nhẹ nên chỉ lấy đi của VN-Index hơn 1,5 điểm.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn