Giao dịch chứng khoán sáng 12/8: Nhóm cổ phiếu dầu khí le lói sáng

Mặc dù thị trường đã có những phiên giao dịch khởi sắc và tìm lại được ngưỡng tâm lý mạnh 1.200 điểm, nhưng áp lực mạnh từ phiên 5/8 đã khiến VN-Index kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 8 tiếp tục trong xu hướng giảm.

Về yếu tố kỹ thuật, dù chỉ số VN-Index đóng cửa nằm trên đường trung bình MA200 ngày, nhưng tín hiệu đảo chiều tăng điểm vẫn chưa được xác nhận khi thanh khoản các phiên hồi phục vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Thêm vào đó, các chỉ báo như MACD và RSI mới chỉ hình thành 1 đáy nên xác suất chỉ số chung có thể xuất hiện những phiên điều chỉnh, rung lắc.

Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS), các nhịp hồi phục vẫn thường diễn ra nhưng đều chưa tạo được niềm tin và sự thuyết phục. Và về cơ bản, xu thế giằng co theo chiều giảm điểm vẫn chiếm ưu thế đi kèm thanh khoản thấp, ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index sẽ ở vùng 1.200-1.210 trong khi ngưỡng 1.250 vẫn sẽ là thử thách không dễ vượt qua trong ngắn hạn.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 12/8, dòng tiền vẫn tham gia khá yếu và kém bền vững khi không còn “ưu ái” với nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã khiến thị trường khó bật cao.

Chỉ số VN-Index mở cửa tăng nhẹ rồi nhanh chóng chuyển qua trạng thái rung lắc. Sau khoảng 80 phút mở cửa, thị trường chung đang giao dịch phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng và VN-Index nhích nhẹ khoảng 1 điểm.

Bên cạnh diễn biến nhóm cổ phiếu bluechip cùng xu hướng thị trường bởi trạng thái phân hóa của các mã tăng giảm, các nhóm ngành cũng đều đang biến động trong biên độ hẹp trên dưới 1%.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán sau những tín hiệu tích cực ở cuối tuần trước, đã nhanh chóng hạ nhiệt và hiện hầu hết các mã đều đang biến động lình xình quanh biên độ tăng giảm 0,5%.

Mặt khác, tâm điểm thị trường chuyển hướng của nhóm cổ phiếu hóa chất và phân bón. Hiện DGC đang tăng khoảng 3,5%, DCM tăng 2,4%, DPM tăng hơn 1,5%, BFC tăng 3,5%, cặp đôi trên sàn HNX và UPCoM là LAS và DDV đang tăng tốt hơn với biên độ đều hơn 5%.

Thị trường vẫn duy trì trạng thái giao dịch phân hóa và diễn biến có chút tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip về cuối phiên đã giúp VN-Index nới nhẹ biên độ tăng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 193 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index tăng 3,74 điểm (+0,31%), lên 1.227,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 237,1 triệu đơn vị, giá trị 6.066,84 tỷ đồng, nhích nhẹ về khối lượng và tăng 15,9% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 9/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,95 triệu đơn vị, giá trị 549,44 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 có chút tích cực hơn về cuối phiên khi đã tìm lại sắc xanh với mức tăng khá hạn chế chỉ 1,3 điểm và diễn biến cân bằng với 13 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu dầu khí PLX tăng tốt nhất là 3,8%, chốt phiên đứng tại mức giá cao nhất phiên 49.800 đồng/CP; và đóng góp tốt nhất cho thị trường là FPT với gần 1 điểm, chốt phiên mã này tăng 2,1% lên mức 129.600 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm đáng chú ý là DIG giao dịch đột biến với thanh khoản đạt hơn 22 triệu đơn vị, gấp tới gần 3 lần so với mã có thanh khoản đứng thứ 2 thị trường là GEX đạt hơn 8,1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, về diễn biến giá cổ phiếu, DIG đã có thời điểm nằm sàn và chốt phiên vẫn giảm mạnh 5% xuống mức 22.000 đồng/CP.

Thông tin đáng chú ý với DIG là cuối tuần qua, Chủ tịch HĐQT Công ty qua đời sau 34 năm “chèo lái” DIC Corp thành công ty bất động sản với quỹ đất hơn 800 ha và tham vọng mới trong mảng khu công nghiệp còn dang dở.

Xét về nhóm ngành, với sự đóng góp tích cực của mã lớn FPT, nhóm cổ phiếu công nghệ đang dẫn đầu thị trường khi có thêm CMG tăng 2,6%, CMT tăng 6,5%.

Tiếp theo đó là nhóm dầu khí, hưởng lợi từ diễn biến tăng của giá dầu thế giới bởi căng thẳng ở Trung Đông vẫn leo thang và những dữ liệu kinh tế. Trong đó, ngoài PLX tăng ấn tượng, các mã khác trong ngành như GAS tăng 1,7%, PVD tăng nhẹ 0,75%, các mã khác trên HNX và UPCoM như PVS, PVB đều tăng hơn 1%, PVC tăng 0,77%, BSR tăng 2,18%.

Ở chiều ngược lại, thị trường chỉ còn 4 nhóm ngành chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh nhưng với mức giảm nhẹ chỉ trên dưới 0,5%, trong đó bất động sản giảm mạnh nhất là 0,71% bởi áp lực từ cặp đôi lớn VHM và VIC chốt phiên đều giảm hơn 1%.

Một số mã vừa và nhỏ khác trong ngành như TCH vẫn giảm khá mạnh 2,7% và khớp 4,6 triệu đơn vị, PDR giảm 2,3%, HBC giảm 5,6%, DXG giảm 1,9%...

Trên sàn HNX, thị trường phân hóa và chỉ số HNX-Index biến động giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, sàn HNX có 59 mã tăng và 82 mã giảm, HNX-Index nhích nhẹ 0,04 điểm (+0,02%) lên 229,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,26 triệu đơn vị, giá trị 382,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,66 triệu đơn vị, giá trị 70,33 tỷ đồng.

Điểm sáng là cổ phiếu dệt may TNG tăng 4,9%, chốt phiên sáng đứng tại mức giá 27.800 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt hơn 2,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán hạ nhiệt sau phiên khởi sắc cuối tuần trước, với SHS và MBS cùng giảm 0,7% và đều khớp hơn 1,4 triệu đơn vị, APS giảm 2,9%, BVS giảm nhẹ 0,8%... Ngoại trừ cổ phiếu HBS đột biến tăng kịch trần lên mức 10.300 đồng/CP với khối lượng dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường thu hẹp biên độ và lùi về sát mốc tham chiếu khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,06%), lên 92,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,67 triệu đơn vị, giá trị 316,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,84 triệu đơn vị, giá trị 1,87 tỷ đồng.

Cặp đôi dầu khí là BSR và OIL có thanh khoản tốt nhất thị trường. Trong đó, BSR khớp hơn 4,7 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 2,2%, còn OIL khớp 3,6 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 3,4%.

Ngoài ra, một số mã đáng chú ý khác như BCR tăng 1,8% và khớp gần 3,2 triệu đơn vị; các mã VGT, DDV, TVN đều tăng trên 3-5%; cổ phiếu nhỏ DFF đột biến khi tăng tốc từ mức giá sàn và chốt phiên tại mức giá trần với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,8 triệu đơn vị.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn