Thị trường vừa trải qua 2 phiên đầu tiên của năm mới Giáp Thìn tích cực khi dòng tiền khá sôi động đã luân phiên qua các nhóm ngành dẫn dắt chỉ số VN-Index tiến bước vững vàng trên ngưỡng tâm lý mạnh 1.200 điểm.
Xét về kỹ thuật, hai chỉ báo RSI và MACD vẫn đang hướng lên và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh thứ hai, cho thấy xác suất VN-Index điều chỉnh bất ngờ với biên độ rộng vẫn còn thấp. Tuy nhiên, hai chỉ báo này cũng đã ở vùng cao và vẫn bỏ ngỏ việc hình thành phân kỳ âm 2 đoạn. Thêm vào đó, VN-Index hiện đã vượt ra ngoài dải Bollinger band nên việc điều chỉnh ngắn hạn trong các phiên tới là cần được tính đến.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 19/2, tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng hơn khi VN-Index đã có chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp khiến thị trường trở nên phân hóa, với số mã tăng và giảm khá cân bằng nhau. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bluechip đảm nhận vai trò dẫn dắt khá tốt, đã giúp chỉ số chung vẫn trên đà bước tiếp.
Chỉ số VN-Index bật tăng tiến sát mốc 1.220 điểm rồi quay đầu hạ nhiệt khi áp lực có dấu hiệu lan rộng hơn trên thị trường. Trong khi sắc đỏ đang chiếm ưu thế trên bảng điện tử và các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tiếp tục gia tăng sức nặng lên thị trường, thì bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup đã “cân hết”.
Trong đó, VIC có thời điểm tiến gần mức giá trần và hiện đang tăng gần 6%, đóng góp tới hơn 2,2 điểm cho chỉ số chung; VHM cũng ấn tượng với mức tăng khoảng 3,5% và giao dịch trên mức giá 44.x.
Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu VIC với tổng mức tăng hơn 10% và một trong những động lực tiếp sức cho mã này bay cao có thể là việc VinFast giới thiệu dải xe điện tay lái nghịch tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia (IIMS) 2024 khai mạc vào cuối tuần vừa qua tại thủ đô Jakarta. Trong đó, các mẫu xe VF 5, VF e34, VF 6 và VF 7 thuộc các phân khúc từ A tới C dự kiến sẽ được bán ra trên thị trường này trong thời gian tới.
Một trong những động thái đầu tiên của VinFast sau khi vào Indonesia là ký kết Ý định thư hợp tác với 5 đại lý đầu tiên để mở rộng mạng lưới phân phối. Đây cũng là cách bán xe mà VinFast thực hiện tại Mỹ trong thời gian qua.
Thị trường duy trì trạng thái xanh vỏ đỏ lòng trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng. Điểm sáng vẫn là thanh khoản tăng vọt, thậm chí vượt mức thanh khoản của cả phiên giao dịch trong giai đoạn cuối tháng 1/2024.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 211 mã tăng và 269 mã giảm, VN-Index tăng 4,42 điểm (+0,37%), lên 1.214,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 547 triệu đơn vị, giá trị 13.049,36 tỷ đồng, tăng 19,96% về khối lượng và 25,8% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua ngày 16/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,77 triệu đơn vị, giá trị 876,87 tỷ đồng.
Bộ 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE vẫn là trụ đỡ chính, với mức tăng tương ứng 5,8%, hơn 5,3% và gần 3,2%, đã đóng góp tổng cộng tới hơn 4,7 điểm cho chỉ số chung. Đồng thời, thanh khoản của các mã này cũng tăng đột biến, góp phần giúp thanh khoản thị trường phiên sáng nay đạt mức ấn tượng, trong đó VHM và VRE đều khớp hơn 10 triệu đơn vị, còn VIC khớp 7,84 triệu đơn vị.
Động lực của các mã lớn đầu ngành cũng đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản trở thành nhóm tăng mạnh nhất thị trường dù số mã giảm chiếm ưu thế, với NVL, DIG, PDR, DXG, NLG… đều giảm hơn 1%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí và phân bón – hóa chất cũng xác nhận phiên giao dịch khởi sắc. Ở nhóm dầu khí, GAS tăng 3%, POW tăng 2,6%, PLX tăng 2,4%, PVD tăng 1,23%, hay trên sàn HNX có PVS, PVC, PVB đều tăng trên dưới 1%.
Ở nhóm phân bón và hóa chất, cổ phiếu DGC tăng 1,6%, DPM tăng 3,23%, DCM tăng 2,06%,; hay trên sàn HNX có LAS tăng 3,4%...
Trái lại, nhóm cổ phiếu được đánh giá cùng nhịp đập với thị trường là nhóm chứng khoán lại giảm mạnh nhất. Ngoại trừ duy nhất BSI khởi sắc với mức tăng chưa tới 0,2%, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VND, SSI và VIX có mức giảm trên dưới 2%, là bộ 3 có thanh khoản cao nhất thị trường, tương ứng đạt gần 24,5 triệu đơn vị, 19,86 triệu đơn vị và 17,81 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vua cũng điều chỉnh nhẹ với sắc đỏ chiếm ưu thế hơn như MBB, STB, EIB, ACB, VPB, CTG… giảm trên dưới 1%.
Với lực cầu tham gia sôi động vào các nhóm ngành dẫn dắt như chứng khoán, ngân hàng, thép…, đã giúp biên độ giảm của các mã không quá lớn, điều này cũng phần nào cho thấy nhà đầu tư vẫn kỳ vọng xu hướng thị trường khá lạc quan.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên sáng khiến thị trường rung lắc và đảo chiều giảm.
Chốt phiên sáng nay, sàn HNX có 71 mã tăng và 81 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,17%) xuống 232,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,67 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt hơn 882 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ hơn 3,4 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng có diễn biến kém tích cực, trong đó SHS chốt phiên giảm 1,1% xuống mức 17.700 đồng/CP nhưng giao dịch vẫn sôi động nhất với gần 7,78 triệu đơn vị khớp lệnh; trong khi MBS giảm 2,6% và khớp 3,22 triệu đơn vị..
Nhiều mã khác trong rổ HNX30 cũng nới rộng biên độ giảm hơn do áp lực bán gia tăng như CEO, HUT, IDC… giảm trên dưới 1%.
Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ NRC dù giữ được sắc tím nhưng chốt phiên sáng nay vẫn tăng khá tốt, đạt 6% và tạm đứng tại mức giá 5.300 đồng/CP, với thanh khoản thuộc top 5 mã sôi động nhất, tương ứng đạt 2,36 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường đuối sức nhưng may mắn vẫn giữ được sắc xanh nhạt trong bối cảnh chung phân hóa.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,07%) lên 90,13 điểm với 111 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,63 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 490,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đột biến khi có thêm 77,65 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 1.673,8 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là BHI thỏa thuận 75 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.628 tỷ đồng.
Cũng như sàn niêm yết, cổ phiếu dầu khí BSR trên UPCoM đã có phiên giao dịch ấn tượng sau chuỗi ngày dài lình xình dưới mức giá 19.000 đồng/CP. Chốt phiên sáng nay, BSR tăng 3,7% lên mức 19.600 đồng/Cp với giao dịch ấn tượng đạt 12,8 triệu đơn vị. Cổ phiếu khác trong nhóm là OIL chốt phiên tăng 1% và khớp 0,95 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu trong nhóm phân bón là DDV có thời điểm chạm mức giá 11.000 đồng/CP nhưng đã hạ độ cao về cuối phiên. Tạm dừng phiên sáng, DDV tăng gần 1% lên mức 10.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 0,93 triệu đơn vị.
Đột biến lớn trên UPCoM là BHI bất ngờ giao dịch khủng tới 75 triệu đơn vị đến từ nhà đầu tư ngoại. Đã có thời điểm mã này kéo trần nhưng chốt phiên BHI tăng 10,6% lên mức 23.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 3.100 đơn vị.