Giao dịch chứng khoán sáng 20/5: Áp lực bán gia tăng, VN-Index lại "chào thua" mốc 1.280 điểm

Thị trường vừa trải qua đợt hồi phục khá tốt với mức tăng khoảng 9% từ vùng đáy ngắn hạn 1.170 điểm trong vòng hơn 1 tháng qua với thanh khoản cải thiện tích cực, đặc biệt trong tuần qua, mức bình quân trên toàn thị trường đạt xấp xỉ 23.000 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 2% so với tuần trước đó, cho thấy dòng tiền đang dần trở lại.

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, CTCK AgriBank (Agriseco), hiện tại, chưa có nhiều tín hiệu cho thấy VN-Index có thể sẽ đảo chiều ngay ngoại trừ việc đà tăng trong hai phiên cuối tuần ngày 17/5 bị chững lại. Đây là điều hoàn toàn bình thường khi VN-Index đang tiến tới vùng đỉnh trung hạn trước đó.

Về kịch bản thị trường, ông Khoa cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và sớm vượt mốc 1.282 điểm trong tuần này trước khi rung lắc để kiểm định lại áp lực bán tại vùng đỉnh. Diễn biến sau đó sẽ phụ thuộc vào kết quả của kiểm định cung cầu tại vùng này, nhưng khả năng cao thị trường tiếp tục tăng điểm sau đó hơn là tạo đỉnh và đảo chiều khi dòng tiền đang trở lại với các cổ phiếu thuộc nhóm trụ.

Xét về yếu tố kỹ thuật, đường biên trên dải Bollinger band mở rộng lên trên, chỉ báo dòng tiền CMF và MACD vẫn đang hướng lên cùng với thanh khoản liên tục gia tăng cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện và đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường trong ngắn hạn.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 20/5, tâm lý lạc quan của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tác động tích cực tới thị trường trong nước. Lực cầu sôi động nhập cuộc ngay khi mở cửa đã giúp sắc xanh lan tỏa bảng điện tử và VN-Index tiếp đà khởi sắc.

Chỉ số VN-Index đang thử thách quanh vùng giá 1.280 điểm khi hầu hết các nhóm ngành đều đang khởi sắc, ngoại trừ một số nhóm nhỏ lẻ như sản xuất hàng gia dụng, chăm sóc sức khỏe, sản xuất phụ trợ đang rung lắc và điều chỉnh nhẹ chưa tới 0,1%.

Thanh khoản tăng vọt khi thị trường trải qua khoảng 80 phút giao dịch, trên sàn HOSE đã đạt gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn có sức hút lớn, với bộ 3 gồm HAG, EVF, EIB đang có mức tăng mạnh trên 2-5% với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Hàng loạt mã vừa và nhỏ khác cũng sôi động và tăng mạnh như TCH và BCG đang tăng hơn 4% với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 8 triệu đơn vị, nhiều mã khác như CIG, PSH, IJC, TDG, TDC… đang tăng trên 3%. Ngoài ra, trong nhóm bất động sản và xây dựng, cặp đôi BCM và DXS là duy nhất trên thị trường đang có được sắc tím, hiện đều đang trong trạng thái dư mua trần trên dưới nửa triệu đơn vị và khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

Áp lực bán bất ngờ gia tăng trong 30 phút cuối phiên đã khiến nhiều cổ phiếu lớn bé trên sàn “tuột dốc” và VN-Index lại “chào thua” mốc 1.280 điểm khi xác lập mức tăng nhẹ khi tạm dừng phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 269 mã tăng và 139 mã giảm, VN-Index tăng 5,65 điểm (+0,44%), lên 1.278,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 612,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.155 tỷ đồng, tăng 32,83% về khối lượng và 25,95% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 17/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 87,87 triệu đơn vị, giá trị 1.691,55 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 lùi về mức giá thấp nhất của phiên sáng khi chốt phiên chỉ tăng nhẹ 5,5 điểm, với 21 mã tăng và 7 mã giảm. Trong đó, các mã giảm chủ yếu chưa tới 0,5% gồm SHB, STB, VHM, VIC, VNM, SAB, ngoại trừ duy nhất VJC giảm 1%.

Ngược lại, cổ phiếu BCM vẫn giữ sức nóng bất chấp thị trường “quay xe”. Chốt phiên, BCM tăng 7% lên mức giá 62.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,9 triệu đơn vị và dư mua mua trần hơn 0,72 triệu đơn vị. Các mã tăng tốt khác là HDB tăng 2,3%, GVR tăng 1,5%, MWG tăng 1,3%, SSI và VPB cùng tăng 1%, còn lại chỉ trên dưới 0,5%.

Trong đó, cặp đôi bất động sản khu công nghiệp BCM và GVR vẫn là 2 mã có đóng góp lớn nhất, tương ứng 1,1 điểm và 0,5 điểm cho chỉ số chung.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm của dòng tiền, bên cạnh DXS vẫn trong trạng thái dư mua trần, các mã vừa và nhỏ bất động sản khác như CIG, IJC tăng hơn 5,5%, BCG tăng 4,2%, TCH tăng 3,2%, TCD tăng 3,1%..., với TCH và BCG thanh khoản sôi động với khối lượng khớp lệnh đều hơn 10 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ của ngành khác như HAG, EVF, GEX, VIX đều chốt phiên trong sắc xanh với thanh khoản trong khoảng 10-20 triệu đơn vị khớp lệnh.

Xét về nhóm ngành, tất cả các nhóm ngành đều giật lùi dù sắc xanh vẫn là áp đảo. Toàn thị trường chỉ có 4 nhóm là sản xuất phụ trợ, vận tải kho bãi, công nghệ và thông tin, sản xuất hàng gia dụng giảm chưa tới 5%.

Trái lại, nhóm dịch vụ tư vấn hỗ trợ tăng tốt nhất đạt 2,56%, tiếp theo là thiết bị điện tăng hơn 1%, còn lại chỉ biến động hẹp. Đặc biệt, cặp đôi chứng khoán và ngân hàng chỉ còn tăng nhẹ do nhiều mã đảo chiều giảm như SHB, LPB, FTS, HCM, CTS…

Điểm sáng dòng bank là cổ phiếu EIB với giao dịch đột biến. Chốt phiên sáng nay, EIB tăng 4,2% lên mức 18.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh chỉ thua HPG trên toàn thị trường, đạt hơn 20 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng hạ độ cao về cuối phiên khi nhiều mã bluechip đảo chiều giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 87 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index tăng 1,05 điểm (+0,43%), lên 242,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 55,87 triệu đơn vị, giá trị 1.035,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,79 triệu đơn vị, giá trị 113,4 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 may mắn giữ sắc xanh với mức tăng chưa tới 1 điểm với LHC, L18, TIG đều giảm hơn 1%; các mã BVS, MBS, PVS, PVC, VCS giảm nhẹ.

Trái lại, NTP vẫn giữ sức nóng khi chốt phiên tăng 9,8% lên mức giá trần 47.000 đồng/CP và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. Ngoài ra, TDN tăng 3,7%, PLC tăng 2,7%, DXP tăng 2,3%...

Cặp đôi SHS và CEP có giao dịch sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt gần 11 triệu đơn vị và 4,11 triệu đơn vị, chốt phiên đều đứng giá tham chiếu.

Các cổ phiếu nhà APEC là điểm sáng, với IDJ tăng 3,2% và khớp hơn 4 triệu đơn vị, APS tăng 4,3% và khớp 2,22 triệu đơn vị, API vẫn tăng trần với khối lượng khớp gần 2 triệu đơn vị và dư mua trần 0,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường tạm khép lại phiên sáng với mức tăng nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,36%), lên 93,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,1 triệu đơn vị, giá trị 469,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,45 triệu đơn vị, giá trị gần 55 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR không giữ được đà tăng mạnh mẽ như đầu phiên, chốt phiên tăng 1% lên mức 19.800 đồng/CP, thanh khoản vẫn sôi động nhất với gần 5,4 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý như VEA tăng 2,4%, AAH tiếp tục tăng trần 14,5%, DDV tăng 3,8%, thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn