Giao dịch chứng khoán sáng 26/2: Cổ phiếu thủy sản nổi sóng

Thị trường đột ngột cắm đầu lao dốc trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/2 khiến giới đầu tư trở nên hoang mang khi tâm lý chuẩn bị sẵn chỉ là pha điều chỉnh nhẹ sau đợt tăng mạnh mẽ trong xu hướng uptrend của thị trường. Thậm chí trên nhiều diễn đàn còn bàn luận rằng đây là phiên phân phối đỉnh, bulltrap… bởi cú ngã nhào đã lấy đi gần 30 điểm, đẩy VN-Index từ vùng đỉnh ngắn hạn 1.240 điểm xuống sát ngưỡng 1.210 điểm.

Về kỹ thuật ở khung đồ thị tuần, hai chỉ báo MACD và RSI vẫn đang cho tín hiệu hướng lên, và VN Index đang bám sát dải trên của dải Bollinger band cho thấy thị trường vẫn đang trong nhịp tăng trung – dài hạn. Tuy nhiên, sau những biến động cuối tuần qua, chỉ số VN-Index đã phát đi tín hiệu rủi ro ngắn hạn đang tăng lên.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 26/2, tâm lý thận trọng xuất hiện ngay đầu phiên khiến VN-Index mở cửa tăng nhẹ rồi nhanh chóng đảo chiều điều chỉnh do áp lực bán gia tăng.

Sau hơn 90 phút giao dịch, dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng nhờ động lực dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng với trụ đỡ chính là bộ 3 gồm BID, VCB và TCB đã giúp VN-Index khởi sắc và giao dịch quanh vùng giá 1.220 điểm.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn là nhóm chế biến thủy sản. Sau phiên ngược dòng chung vào cuối tuần qua khi là nhóm ngành duy nhất giữ được sắc xanh nhạt trước áp lực bán mạnh trên toàn thị trường, trong phiên sáng nay, các cổ phiếu trong nhóm này tiếp tục đua nhau tăng tốc mạnh.

Bên cạnh các mã VHC, ASM, ANV tăng kịch trần, các mã khác như IDI có thời điểm khoe sắc tím và hiện đang tăng trên dưới 6%...

Áp lực bán vẫn gia tăng khiến thị trường tiếp tục trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng. Đà tăng nhẹ của VN-Index là nhờ lực đỡ đến từ các mã vốn hóa lớn dòng bank. Thanh khoản thị trường vẫn khá tốt khi dòng tiền tiếp tục hướng tới các cổ phiếu ngân hàng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE phân hóa với 158 mã tăng và 299 mã giảm, VN-Index tăng 3,85 điểm (+0,32%) lên 1.215,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 424,73 triệu đơn vị, giá trị 9.586,12 tỷ đồng, giảm 19,14% về khối lượng và 18,8% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,14 triệu đơn vị, giá trị 620,24 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm ngân hàng vẫn chỉ tăng nhẹ, nhưng điểm tích cực đến từ cặp đôi lớn BID và VCB khi lần lượt đóng góp 2,16 điểm và gần 1 điểm cho chỉ số chung, lần lượt chốt phiên tăng 2,9% và 0,8%.

Bên cạnh đó, các mã STB, MBB, SHB đều chốt phiên giảm nhẹ trên dưới 1%, nhưng thanh khoản dẫn đầu thị trường đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán phân hóa nhưng chốt phiên tăng nhẹ, chủ yếu nhờ HCM tăng 1,5%, VND và SSI đều nhích nhẹ. Tuy nhiên, thanh khoản sôi động nhất ngành là VIX khớp 9 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ 0,6%.

Nhóm thủy sản tiếp tục nổi sóng lớn với VHC, ANV và ASM đều chốt phiên tăng trần, bên cạnh các mã IDI tăng hơn 6,3%, FMC tăng 5%, ACL tăng 5,2%...

Tiếp theo là nhóm sản xuất nhựa và hóa chất tăng khá tốt nhờ động lực chính đến từ DGC lấy lại đà tăng mạnh, chốt phiên tăng 5,2% lên mức 105.200 đồng/CP.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường rung lắc và đảo chiều điều chỉnh giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 60 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index giảm 0,55 điểm (-0,24%) xuống 230,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,1 triệu đơn vị, giá trị 599,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,4 triệu đơn vị, giá trị 185,66 tỷ đồng, trong đó riêng VIF thỏa thuận hơn 12,44 triệu đơn vị, giá trị hơn 166 tỷ đồng.

Cặp đôi chứng khoán SHS và MBS giao dịch mạnh nhất thị trường, lần lượt khớp 5,79 triệu đơn vị và 2,3 triệu đơn vị, chốt phiên sáng nay trái chiều nhau khi SHS giảm 0,6% còn MBS tăng 1,5%.

Các mã khác trong rổ HNX30 là CEO, HUT, PVS giảm trên dưới 1%, với khối lượng khớp lệnh trong khoảng 1,8-2,3 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cổ phiếu dệt may TNG có thời điểm tăng vọt và chốt phiên tăng 1,9% lên mức 21.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 1,62 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và chỉ số chung nới nhẹ biên độ giảm về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,29%) xuống 89,9 điểm với 87 mã tăng và 113 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 14,14 triệu đơn vị, giá trị 238,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có không đáng kể.

Chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và tạm dừng phiên sáng nay trái chiều nhau. Cụ thể, BSR giảm 1,5% với khối lượng giao dịch đạt 1,75 triệu đơn vị, trong khi AAH tăng 0,6% với khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu ngân hàng là NAB, ABB, VAB, BVB đều giảm.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn