Giao dịch chứng khoán sáng 29/7: VN-Index tiếp tục tăng nhẹ, HBC và HNG bị bán tháo

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch không mấy khả quan khi dòng tiền chủ yếu đứng ngoài khiến thanh khoản sụt giảm mạnh và chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh giảm trong biên độ rộng hơn, thậm chí có thời điểm giảm sâu về dưới mốc 1.220 điểm. Điểm tích cực duy nhất chính là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng sau gần 20 tuần bán ròng liên tiếp.

Mặc dù VN-Index đã đảo chiều khởi sắc về cuối tuần, nhưng theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường mới chỉ đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật sau các phiên giảm mạnh trước đó, đặc biệt điểm tiêu cực nhất vẫn là thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy lực cầu vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Rủi ro hiện nay vẫn ở mức cao cho nên đà giảm có thể sẽ còn diễn ra vào tuần giao dịch tới.

Tuy nhiên, ở kịch bản tích cực với khả năng thấp hơn, nếu thị trường duy trì đà hồi phục hướng về vùng 1.260 – 1.265 điểm của VN-Index trong các phiên giao dịch đầu tuần thì chỉ số có thể sẽ đi ngang và biến động hẹp trong các phiên cuối tuần.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 29/7, thị trường vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Cùng dòng tiền tham gia khá yếu, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ nhờ điểm tựa chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng hơn 5 điểm và mốc 1.250 điểm vẫn đang là ngưỡng kháng cự mà thị trường hướng tới. Trong đó, 4 mã lớn gồm BID, VNM, FPT và HPG đã đóng góp gần 3 điểm cho chỉ số chung.

Bên cạnh đó, chỉ có 3 mã trên sàn HOSE có thanh khoản trên 5 triệu đơn vị, với sự góp mặt của 2 cổ phiếu ngành tài chính là TPB và VIX lần lượt khớp 9,44 triệu đơn vị và 7,1 triệu đơn vị; ngoài ra QCG khớp 5,84 triệu đơn vị. Trong đó, QCG những tưởng được giải cứu thành công sau chuỗi ngày dài nằm sàn khi có thời điểm bật tăng tới 5,7%, nhưng lực bán mạnh nhanh chóng trở lại đã khiến cổ phiếu này hiện giảm 4,9%.

Đáng chú ý, cặp đôi HBC và HNG sau khi nhận thông báo của HOSE về việc hủy niêm yết bắt buộc do kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, đã bị bán tháo ngay khi mở cửa. Hiện HNG dư bán sàn gần 10 triệu đơn vị, trong khi HBC dư bán sàn 12,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, LDG vẫn dư bán sàn khủng sau thông tin tiêu cực, với khối lượng dư bán sàn tới 15,8 triệu đơn vị.

Áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên đã khiến VN-Index thu hẹp biên độ tăng với diễn biến thị trường chung trở nên phân hóa.

Chốt phiên, sàn HOSE có 198 mã tăng và 181 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 2,73 điểm (+0,22%) lên 1.244,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 232 triệu đơn vị, giá trị 5.484,5 tỷ đồng, cùng tăng hơn 21% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua ngày 26/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,47 triệu đơn vị, giá trị 433,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng hạ độ cao nhưng vẫn là động lực chính của thị trường khi chốt phiên tăng hơn 5 điểm, với 16 mã tăng và 9 mã giảm. Trong đó, các mã lớn như VNM tăng 2%, HPG, BID và FPT đều tăng hơn 1%; ngược lại POW giảm mạnh nhất là 1,1%, còn lại đều chỉ mất trên dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý vẫn là bộ 3 gồm LDG, HBC và HNG vẫn nằm sàn với khối lượng dư bán sàn đều đạt hơn 10 triệu đơn vị, trong đó HNG giao dịch sôi động hơn đôi chút với khối lượng khớp lệnh đạt 2,26 triệu đơn vị và được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trong danh mục cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh về khối lượng.

Trong khi đó, cổ phiếu QCG đã thoát nằm sàn nhưng vẫn giảm khá mạnh. Chốt phiên, QCG giảm 3,6% xuống mức 6.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,23 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, dòng bank vẫn giữ đà tăng nhẹ với sắc xanh chiếm ưu thế hơn dù biên độ tăng chủ yếu chỉ trên dưới 1%. Trong đó, BID hỗ trợ tốt nhất cho thị trường khi đóng góp gần 0,8 điểm cho chỉ số chung, chốt phiên tăng hơn 1%; còn TPB có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường với 10,8 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,1% lên mức 18.050 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng chốt phiên tăng nhẹ, với các mã HCM, VCI, VND, SSI tăng gần 1%, trong khi cổ phiếu VIX có giao dịch sôi động nhất ngành và đứng thứ 2 thị trường với hơn 9,55 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 1,4%.

Nhóm cổ phiếu phân bón thuộc top tăng tốt của thị trường, với cặp đôi BFC và VAF đều chốt phiên tại mức giá trần, trong đó BFC dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị; các mã lớn hơn như DCM và DPM tăng trên dưới 1%.

Trên sàn HNX, thị trường cũng lùi về sát mốc tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HNX có 74 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,42 điểm (+0,18%) lên 237,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,37 triệu đơn vị, giá trị hơn 428 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,82 triệu đơn vị, giá trị 72,85 tỷ đồng.

Cổ phiếu DTD có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 19,4 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chốt phiên giảm mạnh 5%, xuống mức giá 28.500 đồng/CP.

Trong khi đó, các mã giao dịch sôi động tiếp theo là CEO, SHS, AAV, DVM với thanh khoản đạt trên dưới 1,5 triệu đơn vị, có diễn biến giá tích cực hơn. Cụ thể, SHS và DVM chốt phiên tại mốc tham chiếu, còn CEO tăng 1,3% và AAV tăng 3,3%.

Cũng như sàn HOSE, cổ phiếu phân bón trên sàn HNX là LAS dù có chút hạ độ cao nhưng vẫn là điểm sáng tích cực khi chốt phiên tăng 3,6% lên mức 25.700 đồng/CP và khớp lệnh 1,26 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,32%) lên 95,48 điểm với 147 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,13 triệu đơn vị, giá trị 273,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu DGT bị bán mạnh và đã quay đầu sau phiên tăng trần cuối tuần trước. Chốt phiên, DGT giảm 4,4% xuống mức 8.700 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt gần 2,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu OIL ấn tượng khi chốt phiên tăng 6,4% lên mức 15.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,88 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số điểm sáng khác như DDV tăng 3,9%, VGT tăng 3,4% với khối lượng giao dịch cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị; TVN tăng 6,7%, HIO tăng kịch trần.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn