Thị trường đã có tuần khởi đầu năm 2024 khởi sắc khi chỉ số VN-Index duy trì đà tăng điểm trong cả 4 phiên liên tiếp trong tuần và vượt thành công ngưỡng kháng cự 1.150 điểm, xác lập mức cao nhất trong hơn 3 tháng. Trong đó, điểm nhấn và cũng là tia hy vọng xu hướng tăng của thị trường còn tiếp tục kéo dài, đó là sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đồng thời, thanh khoản đã có dấu hiệu cải thiện tích cực khi xuất hiện phiên giao dịch tỷ USD.
Về xu hướng kỹ thuật, VN-Index đã hoàn toàn chinh phục đường MA200 với sự hỗ trợ đắc lực của thanh khoản. Chỉ số chung đã hình thành mô hình đảo chiều tăng giá (Bullish Fakey), đồng thời chỉ báo RSI vẫn tiếp tục cho tín hiệu tăng giá, cho thấy thị trường sẽ kiểm nghiệm lại vùng kháng cự 1.160 điểm một lần nữa. Tuy nhiên, tại đây thị trường có thể sẽ có những nhịp rung lắc xuất hiện.
Theo CSI, VN-Index sẽ hướng tới mốc kháng cự 1.200 điểm trong các tuần tới, tuy nhiên không loại trừ khả năng rung lắc ở ngưỡng 1.165-1.175 điểm.
Quay lại diễn biến giao dịch phiên sáng 8/1, tâm lý kỳ vọng sóng tháng Giêng đã tới khiến thị trường tiếp tục duy trì đà khởi sắc. Trong khi nhóm cổ phiếu trụ cột trong những phiên gần đây là dòng bank không còn giữ được phong độ cao, hầu hết đều chỉ tăng nhẹ, thì dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển qua các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ.
Sau gần 90 phút mở cửa, chỉ số VN-Index đang giao dịch trên mốc 1.160 điểm với sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản đang tăng tốt nhất thị trường.
Điểm nhấn là CII nhanh chóng kéo trần thành công nhờ lực cầu mạnh. Hiện CII đứng tại mức giá 18.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội lên gần 23 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 4,2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, DIG và DXG đang tăng trên dưới 3% và có thanh khoản thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, đạt trên dưới 15 triệu đơn vị. Ngoài ra, PDR tăng 3,1%, NVL tăng 3,3%...
Thị trường khởi sắc cũng là động lực để nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng tốc. Hiện các cổ phiếu đều khởi sắc với mức tăng chủ yếu trên 1%, đáng kể có ORS có thời điểm chạm trần và hiện đang tăng trên dưới 6%, FTS, CTS đang tăng hơn 2%...
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường hạ độ cao và chỉ số VN-Index đã không thể giữ được mốc 1.160 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 273 mã tăng và 174 mã giảm, VN-Index tăng 3,31 điểm (+0,09%), lên 1.157,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 486,77 triệu đơn vị, giá 10.005 tỷ đồng, tăng 19,44% về khối lượng và 24,24% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 5/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,21 triệu đơn vị, giá trị 941,85 tỷ đồng.
Nhóm VN30 trở nên phân hóa khi chỉ còn tăng nhẹ chưa tới 2 điểm, với 13 mã tăng và 10 mã giảm. Trong đó, VRE là mã tăng tốt nhất đạt 2,1%, tiếp theo là cặp đôi ngân hàng TCB và BID tăng hơn 1% còn lại đều chưa tới 1%; trái lại MSN và VJC giảm mạnh nhất khi cùng mất 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu xây dựng CII vẫn là tâm điểm của thị trường khi chốt phiên giữ vững đà tăng trần với thanh khoản tiếp tục dẫn đầu, đạt hơn 23,86 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần gần 4,3 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã bất động sản khác như DIG, NVL, DXG, PDR vẫn giữ mức tăng trên dưới 3% và khối lượng khớp lệnh đều trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản và xây dựng tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu đà tăng của thị trường dù biên độ thu hẹp đôi chút do nhiều mã hạ độ cao như VIC và VHM chỉ còn tăng nhẹ hơn 0,5%, HHV, KBC, HDB, KDH… chỉ tăng trên dưới 1%, thậm chí CTD, BCM đảo chiều giảm.
Ngoài những điểm sáng ở trên, nhiều mã khác trong ngành vẫn giữ đà tăng tốt như NBB và VPH cùng tăng 5,2%, TCD tăng 4,1%...
Đà tăng thu hẹp của chỉ số chung chủ yếu đến từ sự đuối sức của nhóm ngân hàng khi chủ yếu biến động lình xình quanh mốc tham chiếu, trong đó TPB, ACB điều chỉnh nhẹ; EIB, HDB, MBB, MSB… về mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng thị trường chung, với TVS giảm nhẹ 0,7%, SSI, TVB, VDS, VND lùi về mốc tham chiếu. Cổ phiếu ORS vẫn tăng tốt nhất ngành, đạt 5,5% và khớp 5,5 triệu đơn vị, trong khi VIX sôi động nhất khi khớp 14,16 triệu đơn vị, chốt phiên tăng nhẹ 0,9%.
Trên sàn HNX, thị trường cũng đuối sức về cuối phiên do áp lực bán dâng cao.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 83 mã tăng và 50 mã giảm, HNX-Index tăng 1,05 điểm (+0,45%) lên 233,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,84 triệu đơn vị, giá trị 1.005,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,63 triệu đơn vị, giá trị 14,53 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 vẫn là động lực chính của thị trường khi chốt phiên sáng chỉ có 3 mã là L18, SLS, VCS giảm nhẹ chưa tới 0,5%, trong khi có tới 17 mã tăng, với BCC tăng tốt nhất đạt 4,2%, tiếp theo là BVS tăng 2%.
Ngoài BVS, các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng đều tăng nhẹ, trong đó SHS chốt phiên tăng 1,6% lên mức 19.000 đồng/CP, tiếp tục là mã có thanh khoản sôi động nhất thị trường với 11,79 triệu đơn vị; MBS tăng nhẹ 0,9% và khớp 2,83 triệu đơn vị…
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản trên sàn HNX với điểm sáng là CEO chốt phiên tăng 1,7% và thanh khoản chỉ thua đôi chút so với SHS, đạt 11,65 triệu đơn vị khớp lệnh; IDC tăng nhẹ 0,2%..
Một điểm sáng khác trong rổ HNX30 là HUT khi chốt phiên tăng 1,5% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,1 triệu đơn vị.
Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu TKG chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi chốt phiên vẫn tăng trần lên mức 12.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh gần 0,3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường may mắn thoát hiểm thành công và giữ được sắc xanh nhạt khi tạm dừng phiên sáng.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,03%) lên 87,95 điểm với 119 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,4 triệu đơn vị, giá trị 215,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,85 triệu đơn vị, giá trị 36,73 tỷ đồng.
Các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất là BSR, SBS, BCR, C4G, BOT đều đạt trong khoảng 1-2 triệu đơn vị. Chốt phiên, BSR, BCR và C4G đứng giá tham chiếu, trong khi SBS tăng 1,4%, BOT tăng trần.
Ngoài SBS, các cổ phiếu chứng khoán khác cũng giao dịch tích cực như AAS chốt phiên tăng 1,2% và khối lượng giao dịch hơn 0,9 triệu đơn vị, TCI tăng 2,2% và khối lượng giao dịch đạt 0,84 triệu đơn vị.