Sau phiên đột biến ngày 16/8, thị trường đã tiếp tục củng cố đà tăng với lực cầu tham gia duy trì ở mức khá tốt, điều này đã phần nào xóa bỏ mọi nghi ngờ về ngày giao dịch bùng nổ theo đà và VN-Index có tuần khởi sắc khi ghi nhận mức tăng hơn 33 điểm.
Về yếu tố kỹ thuật, hai chỉ báo RSI và MACD vẫn đang duy trì xu hướng, hướng lên, cùng với việc CMF tăng trở lại cho thấy thanh khoản mua chủ động đã gia tăng và VN-Index sẽ sớm hướng lên khu vực 1.300 điểm.
Mặc dù vậy, việc VN-Index tiến sát ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm sẽ khiến thị trường khó tránh khỏi những nhịp rung lắc. Theo nhận định của CSI, dù xu hướng tích cực đang khá mạnh, song công ty chứng khoán này không khuyến nghị vị thế mua đuổi, bởi xác suất sẽ có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1.253 - 1.255 điểm trong tuần tới là có khả năng xảy ra.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 26/8, VN-Index tiếp tục quán tính tăng điểm và đã sớm chạm mốc 1.290 điểm ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng đang dâng cao bởi thị trường vừa trải qua đợt hồi phục tích cực, đã khiến thị trường chuyển qua trạng thái phân hóa và VN-Index rung lắc nhẹ.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, thị trường đã khởi sắc trở lại nhờ lực cầu tiếp tục cho đà hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechip. Trong đó, bộ 3 bank – chứng – thép đều giao dịch tích cực cả về giá và thanh khoản, đóng vai trò động lực hỗ trợ tốt cho VN-Index tiếp tục đi lên.
Cổ phiếu VPB đang là tâm điểm của thị trường. Hiện VPB tăng hơn 2%, là mã có đóng góp lớn nhất đạt gần 0,7 điểm cho chỉ số chung, với khối lượng giao dịch lên tới gần 23 triệu đơn vị, đạt xấp xỉ cả phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 23/8 và gấp rưỡi so với mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây.
Thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong bối cảnh chung phân hóa trong suốt thời gian còn lại.
Chốt phiên, sàn HOSE có 195 mã tăng và 188 mã giảm, VN-Index tăng 1,15 điểm (+0,09%) lên 1.286,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 313,87 triệu đơn vị, giá trị 7.160 tỷ đồng, tăng 16,67% về khối lượng và 14,83% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,93 triệu đơn vị, giá trị 728,83 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên tăng gần 3 điểm với 15 mã tăng và 11 mã giảm, trong đó các mã chủ yếu đều biến động hẹp trong biên độ tăng giảm trên dưới 1%, ngoại trừ những điểm sáng là VPB tăng 2,4%, VRE tăng 2,1% và VHM tăng 1,9%.
Trong đó, đóng góp lớn nhất giúp thị trường giữ được sắc xanh là diễn biến tích cực của bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup, khi đồng loạt đều tạm dừng phiên sáng tại vùng giá cao trong phiên, đồng thời đã đóng góp tổng cộng hơn 1,5 điểm cho chỉ số chung.
Về thanh khoản, tâm điểm của dòng tiền vẫn là các cổ phiếu bluechip, trong đó VPB dẫn đầu với thanh khoản vượt trội, lên tới hơn 28 triệu đơn vị; tiếp theo đó là VIX khớp gần 15,2 triệu đơn vị và HPG khớp 10,2 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, thị trường may mắn giữ được sắc xanh nhờ sự hậu thuẫn của bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, dù mức tăng không quá lớn nhưng đều chốt phiên trên mốc tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu VPB ngoài thanh khoản tăng đột biến, giá cổ phiếu cũng tích cực khi tăng tốt nhất rổ VN30 và đã đóng góp lớn nhất với 0,9 điểm cho chỉ số chung.
Ngoài ra, các mã tích cực khác như TPB tăng nhẹ 0,3%, VND tăng 1,9%, TCB tăng 0,7% với thanh khoản đạt trên dưới 8 triệu đơn vị, đều thuộc top 10 mã giao dịch sôi động nhất.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến HNX-Index rung lắc nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 38 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,02%) lên 240,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,69 triệu đơn vị, giá trị 494,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,6 triệu đơn vị, giá trị 115,2 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giao dịch phân hóa với 11 mã tăng và 11 mã giảm, chốt phiên chỉ số nhóm này giảm gần 1 điểm. Trong đó, cặp đôi SHS và CEO có thanh khoản tốt nhất thị trường, lần lượt đạt 6,9 triệu đơn vị và 2,34 triệu đơn vị, đều tạm dừng phiên sáng tại mức giá tham chiếu.
Các mã khác như MBS, TIG đứng giá tham chiếu, TNG giảm 1,1%, LAS giảm 0,4%, HUT giảm 0,6%...\
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điểm sáng là MST tăng kịch trần lên mức giá 5.200 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 5 toàn thị trường với hơn 1,24 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị; ngoài ra AAV cũng có thời điểm khoe sắc tím và chốt phiên tăng 6,3% lên mức 6.700 đồng/CP với thanh khoản đạt 1,53 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù mở cửa cũng khá thuận lợi nhưng lực bán nhanh chóng gia tăng khiến UPCoM-Index chuyển qua biến động giằng co và đảo chiều giảm trong nửa cuối phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,21%), xuống 94,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 15,3 triệu đơn vị, giá trị 236,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,36 triệu đơn vị, giá trị 7,28 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch sôi động nhất thị trường với 3,76 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, chốt phiên tăng nhẹ 0,8% lên mức 24.100 đồng/CP.
Tiếp theo là ABB và AAH cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên sáng nay đều đứng giá tham chiếu.