Giao dịch thận trọng, VN-Index giữ vững mốc 1.285 điểm

Thị trường tiếp đà giảm điểm của phiên cuối tuần trước ngày 27/9 khi mở cửa phiên sáng 30/9 vẫn chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, dù bị lấn át bởi hoạt động bán nhưng lực cầu giá thấp vẫn hiện hữu quanh hỗ trợ 1.285 đã giúp VN-Index khó giảm sâu.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn không nhiều biến động. Áp lực bán luôn thường trực khiến bảng điện tử vẫn trong trạng thái sắc đỏ chiếm ưu thế và VN-Index khá an toàn trên vùng giá 1.285 điểm.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, lực bán có chút gia tăng đã khiến VN-Index một lần nữa để mất mốc 1.285 điểm. Ngay khi “chớm thủng” vùng giá này, lực cầu đã xuất hiện và giải nguy giúp thị trường bật hồi, tuy nhiên chưa đủ mạnh để kéo chỉ số chung vượt qua được mốc tham chiếu.

Thị trường đóng cửa với mức giảm nhẹ, tiếp tục duy trì trạng giao dịch tích lũy và điều chỉnh nhẹ quanh vùng 1.280 – 1.290 điểm. Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE) đánh giá, nếu không có các sự kiện bất ngờ mang tính trọng yếu ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới thì thị trường Việt Nam có thể đang tạo nền cứng quanh 1.260 – 1.280 điểm và việc vượt qua mốc 1.300 chỉ là vấn đề thời gian.

Đóng cửa, sàn HOSE có 153 mã tăng và 241 mã giảm, VN-Index giảm 2,98 điểm (-0,23%) xuống 1.287,94 điểm. Thanh khoản đi ngang so với phiên hôm qua với tổng khối lượng giao dịch đạt 748,4 triệu đơn vị, giá trị 16.288,5 tỷ đồng, giảm 21,3% về lượng và 24,5% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 27/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,13 triệu đơn vị, giá trị 1.173,64 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau những phiên tăng liên tiếp đóng vai trò trụ đỡ chính cho thị trường đã chuyển qua trạng thái phân hóa và điều chỉnh nhẹ do áp lực bán chốt lời. Trong đó, BID, STB, LPB, HDB, VIB, VCB, CTG, ACB đều đóng cửa với mức giảm chỉ trên dưới 0,5%; ngược lại các mã trong top vừa và nhỏ vẫn có diễn biến tích cực hơn.

Cụ thể, MSB tăng tốt nhất, đạt 3,57% và đóng cửa tại mức giá 13.050 đồng/CP, thanh khoản đứng ở vị trí thứ 5 thị trường với 24,82 triệu đơn vị khớp lệnh; TPB và VPB đều tăng 1,8% với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 37,86 triệu đơn vị và 26,72 triệu đơn vị; EIB cũng tăng hơn 1%; SSB, OCB cùng tăng nhẹ; hay SHB, TCB, MBB đều đứng giá tham chiếu với thanh khoản sôi động.

Trong khi đó, cặp đôi còn lại là nhóm chứng khoán và thép vẫn giao dịch khởi sắc. Ở nhóm thép, HPG đóng cửa vẫn tăng 1,2% và khớp lệnh tới hơn 37,4 triệu đơn vị, dù mã này bị khối ngoại bán ròng tới 11 triệu đơn vị; HSG đóng cửa tăng 1,7% và khớp 12,82 triệu đơn vị; NKG tăng 1,1% và khớp 7,5 triệu đơn vị; TLH tăng 2,7%.

Ở nhóm chứng khoán, VDS tăng tốt nhất ngành với biên độ 2,5%; tiếp theo là ORS và VCI đều tăng 2,2%; trong khi VIX đóng cửa vẫn tăng nhẹ 0,8% và khối lượng khớp lệnh dẫn đầu ngành với hơn 23,7 triệu đơn vị.

Ngoại trừ một vài nhóm vẫn giữ được đà tăng nhẹ, phần lớn các nhóm ngành đều đóng cửa điều chỉnh nhẹ như bất động sản, viễn thông, bảo hiểm, vận tải, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe… Trong nhóm bất động sản, đáng chú ý là NVL có thanh khoản tăng vọt với khối lượng khớp lệnh thời điểm mở cửa – khi cổ phiếu giảm sàn – lên tới gần 5,7 triệu đơn vị khớp lệnh sau thông tin Công ty chuyển từ lãi thành lỗ hơn 7.300 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 sau soát xét. Kết phiên, NVL giảm 4,3% xuống mức 11.050 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 30 triệu đơn vị, chỉ thua TPB và HPG.

Bên cạnh đó, một mã bất động sản khác là DXG đã đảo chiều tích cực. Dù chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ nhưng lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp DXG đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 0,9% lên mức giá cao nhất ngày 16.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 13,24 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế cùng sức ép gia tăng ở nhóm HNX30 đã khiến thị trường duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 61 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,34%) xuống 234,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 52,65 triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 1.065 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,08 triệu đơn vị, giá trị 82,23 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đóng cửa giảm hơn 2 điểm khi có tới 16 mã giảm và chỉ còn 6 mã tăng. Trong đó, PSD tăng tốt nhất là 2,4%, BVS và TNG cùng tăng 1,9%, TIG tăng 1,4%, L18 tăng 1,1% và HLD tăng 0,7%; trái lại, NTP giảm mạnh nhất khi mất 4,2% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất trong ngày 61.300 đồng/CP, còn lại các mã giảm trên dưới 1%.

Cổ phiếu SHS lùi về “điểm xuất phát” 15.600 đồng/CP và vẫn giữ mức thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt gần 8,5 triệu đơn vị khớp lệnh; trong khi MBS cũng đã lấy lại được mốc tham chiếu và khớp 3,2 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cổ phiếu DNP bất ngờ có thanh khoản đột biến khi khớp lệnh gần 3,3 triệu đơn vị, trong khi trước đó thường khớp vài trăm đến vài nghìn đơn vị, hoặc cao hơn là vài chục nghìn đơn vị. Kết phiên, DNP giảm 8,6% xuống gần mức giá sàn 24.500 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,42%) lên 93,9 điểm với 183 mã tăng và 167 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 40 triệu đơn vị, giá trị 560,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,33 triệu đơn vị, giá trị đạt 93,96 tỷ đồng.

Điểm sáng là cổ phiếu VGT khi đóng cửa tăng 3,5% lên mức 14.600 đồng/CP và thanh khoản sôi động với hơn 3,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, một mã vừa và nhỏ là BCR cũng khá ấn tượng với gần 2,4 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, kết phiên tăng 1,9% lên mức 5.500 đồng/CP.

Trong khi đó, BSR kết phiên giảm 2% và khớp hơn 8 triệu đơn vị; cổ phiếu dầu khí khác là OIL giảm 2,3% và khớp 2,12 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai tăng và 2 hợp đồng giảm đều chỉ trên dưới 1 điểm. Trong đó, hợp đồng VN30F2410 tăng 1,5 điểm, tương đương +0,1% lên 1.357 điểm, khớp lệnh gần 142.570 đơn vị, khối lượng mở hơn 54.570 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVHM2404 có thanh khoản cao nhất, đạt 5,46 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,8% xuống 1110 đồng/cq. Tiếp theo đó, CMSN2313 khớp hơn 3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống 30 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn